Vietnam Airlines phải giải trình lý do công bố chậm thông tin thoái vốn

Đông Bắc 08:32 | 02/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vietnam Airlines thoái vốn Cambodia Angkor để thu về 34 triệu USD, nhưng doanh nghiệp này đợi sau nhiều tháng mới công bố nên buộc phải giải trình lý do chậm thông báo này.

Ngày 27/5 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã nhận được văn bản công bố thông tin của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) về việc thoái 35% vốn khỏi hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6) trong năm 2021. Tại ngày 31/12 năm ngoái, K6 không còn là công ty liên kết của Vietnam Airlines.

Theo quy định tại khoản 1h Điều 11 Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính, khi doanh nghiệp niêm yết như Vietnam Airlines bán cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty liên kết dẫn đến công ty đó không còn là công ty liên kết thì doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giao dịch bán cổ phần kết thúc. Trong thực tế, Vietnam Airlines đã công bố thông tin chậm ít nhất 5 tháng.

Việc thoái 35% vốn khỏi Cambodia Angkor Air (K6) đã giúp Vietnam Airlines thu về 35 triệu USD (tương đương 800 tỷ đồng), trong đó có 1 triệu USD đặt cọc từ năm 2019 và 34 triệu USD trong ba tháng đầu năm 2022.

Khoản thu bất thường này đã giúp cho doanh thu tài chính của Vietnam Airlines năm 2021 đạt mức cao nhất kể từ 2016 như thể hiện trong thống kê dưới đây. Nhờ giao dịch thoái vốn K6, Vietnam Airlines giảm thua lỗ, giữ cho lỗ lũy kế thấp hơn vốn điều lệ và tránh âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN cũng tránh được nguy cơ hủy niêm yết khỏi sàn HOSE.

HOSE cũng nhắc nhở Vietnam Airlines về việc thuyết minh tiền lương, thù lao của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 chưa đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 163 và Điều 172 Luật Doanh nghiệp 2020.

HOSE đề nghị Vietnam Airlines giải trình về việc chậm công bố thông tin thoái vốn công ty liên kết và công bố thông tin bổ sung về thù lao của ban lãnh đạo trên báo cáo tài chính 2021.

Kết phiên 1/6, giá cổ phiếu HVN giảm 0,3% còn 18.600 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa gần 41.200 tỷ đồng.

Âm vốn chủ sở hữu hơn 2.100 tỷ đồng

Trước đó, Vietnam Airlines đã công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu hợp nhất đạt hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ quý II/2020 - thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không.

 

Tại ngày cuối năm 2021, Vietnam Airlines có 18.641 lao động đang làm việc tại công ty mẹ cũng như các công ty thành viên trực thuộc.

Số lao động này thấp hơn 2.525 người so với ngày cuối năm 2019 khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát. Thống kê trên đây cho thấy số lượng lao động của Vietnam Airlines giảm liên tục từ giữa năm 2019 đến cuối năm 2021.

Mặc dù vậy, do giá vốn vượt doanh thu, Vietnam Airlines lỗ gộp gần 1.600 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí khác, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 2.621 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của hãng hàng không quốc gia.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2022 phản ánh rõ ảnh hưởng nặng nề của đại dịch kéo dài từ 2021 sang đầu năm nay, dù thị trường hàng không Việt Nam phục hồi khá nhanh. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế 3 tháng đầu năm gần như vẫn đóng băng, ảnh hưởng tiêu cực do xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu tăng cao đã khiến các hoạt động của hãng không thể khởi sắc.

Tại thời điểm 31/3, Vietnam Airlines đã lỗ lũy kế hơn 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Vốn chủ sở hữu của hãng bay này lại âm 2.160 tỷ đồng. Cuối tháng 9 năm ngoái, Vietnam Airlines thoát tình trạng âm vốn chủ sở hữu sau khi bổ sung gần 8.000 tỷ đồng thông qua phát hành thêm gần 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Nếu tình trạng âm vốn chủ sở hữu tiếp tục kéo dài, hãng hàng không quốc gia sẽ có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định của Luật Chứng khoán.