Viglacera đặt mục tiêu lãi 1.000 tỷ năm 2021

18:07 | 30/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Viglacera đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 1.000 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2020.
Theo báo cáo thường niên năm 2021, Tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC) lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 12.000 tỷ đồng, tăng 27% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020.
 
Riêng với công ty mẹ, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ, tăng 17%; lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng, tăng 2%. Tỷ lệ cổ tức kế hoạch 2021 là 12%, tăng so với mức 11% thực hiện năm 2020.
 
Trong đó lĩnh vực kinh doanh nhà là 375 tỷ đồng, lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khu công nghiệp là 2.400 tỷ đồng, lĩnh vực vật liệu và nghiên cứu phát triển, đào tạo là 25 tỷ đồng. Tỷ lệ phân phối lợi nhuận năm 2021 bằng tiền theo kế hoạch là 12%.
 
Viglacera đặt mục tiêu lãi 1.000 tỷ năm 2021
Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Viglacera. Nguồn: BCTC Viglacera
 
Viglacera dự kiến triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án mới như nhà máy gạch Viglacera Eurotile với công suất 9 triệu m2/năm tại Bà Rịa – Vũng Tàu; khu công nghiệp Thuận Thành I (xấp xỉ 249,75 ha) tại Bắc Ninh; dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Đông Mai, khu công nghiệp Tiền Hải, khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương – Đông An…
 
Đồng thời, Viglacera cũng cho biết sẽ nghiên cứu phát triển các khu công nghiệp Dốc đá trắng ( khoảng 288 ha tại Khu kinh tế Vân Phong – Khánh Hòa, dự kiến do Công ty Cổ phần khu công nghiệp Yên Mỹ đầu tư), các khu công nghiệp tại Huế (khoảng 160 ha).
 
Ngoài ra, công ty cũng sẽ tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp từ năm 2020 như dự án nhà ở xã hội tại Kim Chung, nhà ở thương mại (9,6ha) tại Yên Phong.

Đối với phân khúc đô thị và nhà ở, Viglacera phát triển các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gắn với KCN hiện có và đầu tư mới.
 
Công ty cũng có kế hoạch đầu tư tiếp tục các dự án nhà ở thương mại như Thăng Long No1 giai đoạn 3 (Hà Nội), dự án khu đô thị Xuân Phương (Hà Nội), chuyển đổi mục đích sử dụng đất 12,4 ha tại Nhà máy Kính Đáp Cầu (Bắc Ninh), dự án khu đô thị và nhà tại TP Bắc Ninh; đầu tư khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải giai đoạn 1 diện tích 35 ha và xây dựng phương án cho giai đoạn 2 khoảng 40 ha…
 
Trong những năm gần đây, Viglacera dành nhiều nguồn lực đầu tư vào các khu công nghiệp, mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Mảng kinh doanh bất động sản khu công nghiệp của Viglacera cải thiện rõ rệt, đóng góp ngày càng lớn vào cơ cấu doanh thu của công ty.

Đối với mảng vật liệu, Viglacera sẽ chuẩn bị đầu tư vào các dự án mới, bao gồm: Nhà máy gạch Viglacera Eurotile công suất 9 triệu m2/năm tại Bà Rịa – Vũng Tàu, phát triển dòng sản phẩm kích thước lớn, cao cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
Công ty cũng triển khai nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm kính cao cấp, kính siêu trắng làm phôi sản xuất pin năng lượng mặt trời, kính tiết kiệm năng lượng…; khảo sát đầu tư mới các mỏ nguyên liệu; đầu tư phát triển sản phẩm đất sét nung của Viglacera Hạ Long.
 
Về kết quả kinh doanh của Viglacera trong năm 2020, doanh thu hợp nhất đạt 9.433 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế giảm mạnh hơn ở mức 13%, thu về gần 841 tỷ đồng cả năm 2020.
 
Dù kém sắc so với mức thực hiện năm 2019 nhưng Viglacera đã vượt kế hoạch cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Trong đó, 20/35 đơn vị trực thuộc Viglacera hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận.
 
Tuy nhiên, một số đơn vị như Công ty Sứ Mỹ Xuân, Công ty Cổ phần Đáp Cầu, Công ty Cổ phần Bê tông khí Viglacera và một số đơn vị sản xuất gạch ngói đất sét nung có kết quả lỗ trong năm 2020 và lỗ lũy kế cao.
 
Tổng vốn đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư khác tại thời điểm cuối năm 2020 của Viglacera là 2.106 tỷ đồng. Lợi nhuận thu được từ cổ tức trong năm 2020 đạt 83,79 tỷ đồng, tỷ suất cổ tức thu được trên vốn đầu tư đạt 3,998%.
 
Trong năm 2020, Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, HoSE: GEX) đã thực hiện chào mua công khai 95 triệu cổ phiếu VGC vào tháng 10/2020. Thương vụ hoàn tất với số tiền mà Gelex đã chi ra là hơn 2.220 tỷ đồng để mua vào hơn 94,6 triệu cổ phiếu VGC.
 
Sau thương vụ này, Gelex chính thức sở hữu hơn 206 triệu cổ phiếu VGC, tương đương tỷ lệ 46,06%. Một cổ lớn khác của Viglacera là Bộ Xây dựng nắm giữ 38,58% vốn.
 
Mới đây vào đầu tháng 3, Gelex đã đăng ký mua vào 22,5 triệu cổ phiếu VGC. Nếu giao dịch thành công, Gelex sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera lên mức chi phối là trên 51%, đồng thời hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera trên báo cáo tài chính.
 
 
Nguyễn Dung