VITAS kiến nghị không ban hành thêm văn bản gây khó cho DN xuất nhập khẩu

12:54 | 09/01/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại buổi Công bố kết quả về mức độ hài lòng của DN trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 vừa diễn ra, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) kiến nghị: Năm 2019, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính không ban hành thêm văn bản gây khó cho doanh nghiệp (DN).

Hệ thống hải quan đã đồng hành với DN dệt may

Phát biểu tại buổi Công bố, ông Trương Văn Cẩm đánh giá cao Báo cáo kết quả về mức độ hài lòng của DN trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện.

Ông Cẩm cho rằng Báo cáo đã tiến hành công phu, phản ánh khá sát tình hình thực tế việc thực hiện thủ tục  hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018. Đặc biệt, có những chuyển biến rõ nét so với  năm 2015, chỉ ra được những dư địa có thể cải cách, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN thời gian tới.

VITAS kiến nghị không ban hành thêm văn bản gây khó cho DN xuất nhập khẩu - ảnh 1
Năm 2018, ngành dệt may Việt Nam phát triển khá ngoạn mục, dự báo kim ngạch xuất khẩu khoảng 36,1 tỷ USD và tăng 16% so với năm 2017. Trong đó, riêng hàng may mặc xuất 28,78 tỷ USD, ngoài ra xuất vải, sợi và nguyên phụ liệu. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 21,8 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2017, trong đó, nhập khẩu vải đạt 12,8 tỷ USD. Nhập khẩu nguyên phụ liệu trên 3,7 tỷ USD.

Nếu tính cả dung lượng xuất nhập khẩu, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 58 tỷ USD, với hàng trăm ngàn container về hàng may mặc cũng như trên 1,5 triệu tấn bông nhập khẩu và trên 2 triệu tấn tơ sợi nhập khẩu.

Với lượng hàng xuất khẩu rất lớn như vậy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS đã thay mặt cho Hiệp hội Dệt may Việt Nam cảm ơn hệ thống hải quan năm 2018 đã đồng hành với các DN dệt may, giúp họ đạt được kết quả đáng ghi nhận.

“Chúng tôi cũng đánh giá cao những cải cách thời gian gần đây của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính, đây là những cơ quan đi đầu trong lĩnh vực cải cách mấy năm gần đây. Nếu tất cả các bộ, ngành đều với tinh thần cải cách tạo thuận lợi cho các DN như vậy thì tôi tin rằng trong lĩnh vực thủ tục xuất nhập khẩu của chúng ta sẽ có thứ hạng cao tại khu vực”, ông Cẩm nói.

Một ví dụ mà ông Cẩm đưa ra là, Cục Hải quan thành phố Hà Nội có công văn 2917 ngày 19/9/2018 quy định bắt đầu từ 20/9/2018 tất cả hàng xuất qua cửa khẩu Nội Bài phải dán nhãn QR Code cho từng kiện hàng. VITAS đã kiến nghị dừng quy định này và sau đó, Tổng cục Hải quan đã làm việc với VITAS, cùng với một số cơ quan khác, rồi đưa ra văn bản số 6224 yêu cầu Cục Hải quan Hà Nội tạm dừng vấn đề này lại. Điều này tạo điều kiện rất thuận lợi cho DN.

Cùng với đó, VITAS  kiến nghị về trị giá tính thuế đối với thuế phẩm nguyên liệu vật tư dư thừa - những loại hàng hóa mà giá trị không còn bao nhiêu, VITAS đề nghị tính theo giá bán (nếu quy định theo giá nhập khẩu thì rất thiệt cho DN). Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn 2349 ngày 2/5/2018 cho phép DN tính theo giá bán. Công văn này đã tháo gỡ khó khăn cho DN rất nhiều.

Vẫn còn ghi nhận nghiên cứu nhưng chưa sửa đổi ngay

Trong sự lạc quan của một năm ngành dệt may phát triển khá ngoạn mục, ông Cẩm cũng chia sẻ cụ thể những khó khăn mà ngành dệt may vẫn gặp. Đó là khó khăn mà năm 2018 VITAS đã có văn bản sau khi tiếp thu ý kiến của các DN gửi đến Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính về những vướng mắc.

VITAS kiến nghị không ban hành thêm văn bản gây khó cho DN xuất nhập khẩu - ảnh 2
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS chia sẻ tại buổi Công bố kết quả về mức độ hài lòng của DN trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018.  
VITAS đã kiến nghị về việc DN nhập nguyên phụ liệu vào để giảm xuất khẩu nhưng khi không đủ năng lực để sản xuất xuất khẩu, đưa đi gia công từ một DN khác thì vấn đề này trong Nghị định 134 , Khoản 2, Điều 12 quy định không có phép miễn thuế. Trong khi đó, những đơn hàng gia công thì ngược lại, quy định Khoản 2 Điều 10 Nghị định 134 thì lại miễn thuế. Điều này thể hiện sự công không bằng giữa đơn hàng gia công và đơn hàng các DN nhập nguyên phụ liệu để sản xuất xuất khẩu. VITAS đã được bên Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính ghi nhận sẽ nghiên cứu sửa đổi.

Trong năm 2018, Tổng cục Hải quan đã có văn bản 1237 ngày 8/3/2018 quy định các loại phí (chứng từ, vệ sinh container…) phải được cộng vào để tính thuế. VITAS kiến nghị phí phát sinh sau khi hàng về cảng rồi không nên đưa vào trị giá tính thuế và hiện quy định này gây nhiều băn khoăn lo lắng cho DN. Tổng cục Hải quan đã có văn bản ghi nhận sẽ nghiên cứu nhưng chưa sửa đổi ngay.

Về xuất khẩu tại chỗ, VITAS cũng kiến nghị hiện nay rất nhiều DN gia công xuất khẩu được khách hàng chỉ định giao cho một đơn vị tại Việt Nam. Hình thức xuất khẩu tại chỗ này, theo quy định không được hưởng ưu đãi thuế.  VITAS đề nghị hình thức này phổ  biến rất nhiều nên cần được hưởng chính sách thuế như là xuất khẩu ra khỏi biên giới. Tổng cục Hải quan đã có công văn ghi nhận và vẫn tiếp tục nghiên cứu.

Hy vọng năm 2019 DN dệt may có được thuận lợi hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu, ông Cẩm kiến nghị các bộ, ngành, trong đó có cơ quan hải quan tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt vấn đề nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hệ thống công nghệ thông tin, bởi vì theo phản ánh của nhiều DN, có cổng thông tin điện tử rồi nhưng họ vẫn vừa phải khai qua điện tử, vừa phải khai qua giấy.

VITAS kiến nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính không ban hành thêm văn bản gây khó cho DN. Đồng thời, các kiến nghị của Hiệp hội đã được cơ quan hải quan và tài chính đã ghi nhận, VITAS đề nghị được nghiên cứu sớm để có thể sửa đổi bổ sung để tạo thuận lợi cho DN trong năm 2019.