VNPAY: Hành trình hơn 13 năm vươn mình trở thành 'kỳ lân' tỷ USD thứ 2 của Việt Nam
VNPAY chính thức trở thành Kỳ lân thứ 2 của Việt Nam: Định giá trên 1 tỷ USD và được Softbank rót vốn đầu tư.
VNPAY là công ty nào?
Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh Toán Việt Nam (VNPAY) thành lập tháng 3/2007. VNPAY là công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 20.000 doanh nghiệp.
Logo của VNPAY
Trong hơn 13 năm công ty này lần lượt tung ra nhiều dịch vụ thanh toán như: Ứng dụng Mobile Banking, Cổng thanh toán VNPAY, VnShop, Website thanh toán hóa đơn và mua hàng trực tuyến Vban.vn, Tổng đài Vé máy bay VnTicket, dịch vụ Nạp tiền điện thoại VnTopup, SMS Banking, Thanh toán hóa đơn VnPayBill, Ví điện tử VnMart, Sim đa năng,…
VNPAY đang thuộc top 100 sản phẩm, dịch vụ Việt Nam được tin dùng, là nhãn hiệu nổi tiếng trong phạm vi toàn quốc và có thế mạnh hàng đầu về giải pháp thanh toán. Từ khi thành lập đến nay, VNPAY đã vươn mình trở thành đơn vị hàng đầu về cung cấp giải pháp thanh toán điện tử tại Việt Nam.
VNPAYQR – Cuộc cách mạng trong thương mại điện tử
Trong những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam có bước phát triển thần tốc. Theo số liệu của Bộ Công thương, doanh số thương mại điện tử bán lẻ năm 2016 ước đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi từ 2,2 tỷ USD năm 2013, tăng kỷ lục so với mức doanh thu năm 2012 chỉ chưa đầy 1 tỷ USD.
Đáng lưu ý, thương mại điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với thương mại bán lẻ. Sự phát triển của internet, sự thâm nhập của trào lưu mua sắm trực tuyến cũng như mức chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng chính là lý do giúp doanh thu ngành bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam tăng trong những năm qua.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, bán lẻ qua thương mại điện tử sẽ còn chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục trong những năm tới khi tỷ lệ giao dịch thanh toán trên điện thoại thông minh tăng lên. Điện thoại thông minh sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định mua sắm theo kiểu “nhấp chuột và thu nhận hàng hóa”.
VNPAY ra mắt Cổng thanh toán VNPAYQR – tích hợp thanh toán bằng mã QR
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hạn chế trong kênh thanh toán là một trong những rào cản khiến cho thương mại điện tử chưa thực sự bùng nổ.
Nắm bắt được nhu cầu của thương mại điện tử đang thiếu công cụ thanh toán tiện lợi, nhanh chóng, an toàn và đi đầu trong ứng dụng công nghệ, Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) đã chính thức ra mắt Cổng thanh toán VNPAYQR – tích hợp thanh toán bằng mã QR (mã vạch ma trận).
Ra đời từ năm 2011, VNPAY là cổng thanh toán uy tín tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động. Mới đây, VNPAY đã triển khai thành công giải pháp thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng Mobile Banking mang lại một phương thức thanh toán mới an toàn, tiện lợi cho cả người bán và người mua.
Lợi ích vượt trội của VNPAYQR đối với người tiêu dùng là thao tác nhanh chóng, dễ dàng, chỉ bằng điện thoại di động mà không cần phải nhập thông tin thẻ, tài khoản ngân hàng như các phương thức thông thường.
VNPAY là cổng thanh toán uy tín tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động
Thông qua tính năng QR Pay trên ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng (như BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank, IVB, NCB,…), người mua có thể thanh toán dễ dàng tại các website, điểm bán hàng, chỉ bằng một thao tác quét mã VNPAYQR trong vài giây.
Với doanh nghiệp, VNPAYQR mang lại cơ hội phát triển kinh doanh đa kênh, tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu. Ngoài bán hàng trên website như trước đây, các doanh nghiệp có thể mở rộng thêm nhiều hình thức bán hàng mới như mạng xã hội hay bằng tờ rơi, catalogue, quảng cáo trên báo, biển bảng ở khu vực công cộng nhà chờ xe bus, nhà ga, sân bay, bến tàu,… Quảng cáo có thể trở thành kênh bán hàng hiệu quả.
Tại Việt Nam, hàng ngàn đơn vị kinh doanh đã kết nối với cổng thanh toán VNPAYQR để chấp nhận thanh toán bằng QR Pay trên ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng, trong đó có nhiều đơn vị lớn và uy tín như: VTVcab, SCTV, VinaPhone, MobiFone, Viettel, EVN, FPT, VTCPay, Bảo Kim, Pay VnExpress, Kangaroo, Garena, Bizweb, Haravan, VBan.vn, hệ thống Shop Trẻ thơ, hệ thống cửa hàng Aristino, hệ thống Helio Café,…
VNPAY vẫn đang tiếp tục mở rộng kết nối với các Doanh nghiệp, Ngân hàng và các tổ chức tài chính nhằm đem lại lợi ích tối đa cho khách hàng.
VNPAY chính thức trở thành Kỳ lân thứ 2 của Việt Nam
Với sự phát triển mạnh mẽ của điện thoại di động và thương mại điện tử, VNPAYQR được các chuyên gia đánh sẽ sẽ trở thành phương thức thanh toán phổ biến trong thời gian tới. VNPAYQR sẽ là một động lực mạnh mẽ góp vào sự tăng trưởng hàng triệu USD mỗi năm của thương mại điện tử Việt Nam.
Thành tựu nổi bật của VNPAY
Năm 2013: VNPay đạt chứng nhận Doanh nghiệp phát triển bền vững - Sustanable Development Business.
Năm 2014: Nhận danh hiệu "Thương hiệu phát triển bền vững, Sản phẩm chất lượng cao Việt Nam".
Năm 2015: Vinh danh trong chương trình "Tự hào thương hiệu Việt Nam".
Năm 2016: Nhận giấy phép "Hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán".
Tháng 8/2017: Nhận kỷ lục Cổng thanh toán đầu tiên - Tích hợp giải pháp thanh toán bằng mã VNPAY-QR trên ứng dụng Mobile Banking.
Gia nhập "Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam".
Tháng 9/2018: Lọt top 50 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam nội dung số, ứng dụng và giải pháp cho Mobile Banking.
Lọt top 10 doanh nghiệp có năng lực 4.0 tiêu biểu.
VNPAY lọt top 100 giải thưởng Sao vàng đất Việt 2018
Tháng 11/2018: Đạt giải "Ứng dụng công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực Tài chính, ngân hàng".
Tháng 12/2018: Top 100 giải thưởng Sao vàng đất Việt 2018.
Tháng 4/2019: Đạt Top 10 giải Sao Khuê cho giải pháp thanh toán VNPAY-QR, hệ thống quản lý thanh toán QR-MMS.
Năm 2020: VNPay trở kỳ lân tỷ đô thứ 2 của Việt Nam, sau VNG.
Dấu mốc đặc biệt khi trở thành kỳ lân thứ 2 của Việt Nam
Theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020, VNPAY chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt nam sau VNG, tức là start-up được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.
VNPAY vốn được nhiều người biết đến với mạng lưới thanh toán bằng mã QR, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ứng dụng này hợp tác với 22 ngân hàng tại Việt Nam, bao gồm những nhà băng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank, và BIDV.
Thông qua các ứng dụng ngân hàng, VNPAY thu hút hơn 15 triệu người dùng hoạt động hàng tháng với các chức năng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đặt vé xe buýt và mua thực phẩm tươi sống hàng ngày.
VNPay thu hút hơn 15 triệu người dùng hoạt động hàng tháng
VNPAY được cho là chính thức đạt trạng thái "kỳ lân" sau vòng gọi vốn năm ngoái từ Softbank Vision Fund và quỹ đầu tư nhà nước GIC. Vậy là sau VNG, Việt Nam đã có Kì lân thứ hai. Trước đó, VNG là “kì lân” đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Internet, dựa trên nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ tới người dùng đầu cuối.
Trong toàn khu vực Đông Nam Á, VNPAY và VNG hiện xếp cùng hàng ngũ với 11 kỳ lân công nghệ gồm: Bigo, Bukalapak, Gojek, Grab, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Traveloka và Tokopedia. Trong số này, chỉ mới có Grab và GoJek được gọi là “siêu kì lân” khi được định giá trên 10 tỷ USD.
VNG sau 5 năm trở thành “kì lân” giá trị doanh nghiệp cũng tăng đến hơn 50%, nay được định giá khoảng từ 1,5-1,7 tỷ USD, tuy nhiên con số này so với các kỳ lân khu vực vẫn còn khá khiếm tốn.
Nhìn chung, các kỳ lân công nghệ Đông Nam Á đều đang được hưởng lợi trong bối cảnh nhu cầu mua sắm, giải trí trực tuyến của người dân gia tăng mạnh do dịch bệnh. Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Singapore và Phillipines hiện đã có thêm 40 triệu người dùng mới, qua đó nâng tổng số người sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong khu vực lên 400 triệu, chiếm 70% dân số.
VNPAY cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Việt Nam
Các chuyên gia ước tính, tổng giá trị giao dịch của các nền kinh tế số Đông Nam Á trong năm nay có thể đạt 155 tỷ USD, tương đương với năm ngoái, trước khi dịch bệnh xảy ra.
Nhận được đầu tư khủng nhưng VNPAY cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Việt Nam. Hiện tại đã có 37 nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính được cấp phép khiến thị trường trở nên đông đúc. Trong số đó, 34 nhà cung cấp ví điện tử hiển nhiên đều có giấc mơ sẽ lặp lại thành công giống như Alipay hay Wechat Pay ở Trung Quốc.
Để thu hút được người dùng và các nhà bán hàng, các nhà cung cấp ví điện tử - trong đó có cả VNPAY - ở Việt Nam phải "đốt tiền" để giảm giá và tiếp thị. Sự cạnh tranh tập trung vào việc công ty nào có thể xây dựng một hệ sinh thái đủ thu hút với cả người dùng và người bán.
Bí quyết đằng sau sự thành công rực rỡ VNPAY
"Thành công của ngày hôm nay đến từ giá trị cốt lõi của chúng tôi: Sẵn sàng đầu tư", ông Ôn Như Bình - Giám đốc Chiến lược kinh doanh tại VNLIFE, công ty mẹ của VNPay, cho biết.
Chia sẻ sau thông tin VNPay trở thành kỳ lân thứ 2 của Việt Nam, đại diện đơn vị này cho biết may mắn của công ty là có đội ngũ nhân sự rất tốt và chất lượng, đi bên nhau hơn 13 năm.
Chia sẻ tại sự kiện Vietnam Venture Summit, ông Ôn Như Bình - Giám đốc Chiến lược kinh doanh tại VNLIFE, công ty mẹ của VNPay – cho rằng, để nói về công thức thành công thì rất khó, nhưng VNLIFE biết thế mạnh của mình là công nghệ và tập trung rất nhiều vào đầu tư về con người, đầu tư vào công nghệ.
Ôn Như Bình - Giám đốc Chiến lược kinh doanh tại VNLIFE, công ty mẹ của VNPAY
"Có những giải pháp công nghệ trên thế giới được triển khai rất lâu, nhưng khi vào Việt Nam phải tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ban, ngành. Để triển khai được đúng quy định, quy chuẩn, lại đáp ứng được yêu cầu công nghệ mới cần quãng thời gian nghiên cứu khá dài và tốn nhiều nguồn lực".
"Ví dụ để triển khai được smartPOS - thiết bị thanh toán thông minh ở Việt Nam mất 2 năm, trong khi thiết bị ấy trên thế giới đã có được 5 năm. Nếu không có đầu tư về mặt công nghệ cũng như con người, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự thay đổi và phát triển vượt bậc", ông Bình nói.
Ông cũng nhìn nhận rằng thành công của VNLIFE cũng như VNPay ngày hôm nay đến từ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp: Sẵn sàng đầu tư.
"Ngoài ra, chúng tôi có chiến lược dài hạn rõ ràng, và có chiến lược kinh doanh thực thi ngắn hạn rất uyển chuyển. Chúng tôi luôn coi mình là những hành viên trong gia đình của đối tác khách hàng", ông Bình nói.
Ông Trần Trí Mạnh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VNLIFE
VNLIFE theo mô hình khá đặc biệt: Cung cấp các giải pháp và hạ tầng công nghệ, đầu tư xây dựng lên sau đó để các công ty khác ở Việt Nam, cả startup cũng có thể tạo ra những dịch vụ/sản phẩm mới dựa trên nền tảng công nghệ đó.
"Chúng tôi luôn xác định các ngân hàng, doanh nghiệp lớn ở Việt Nam cần có những đối tác đồng hành như VNPay vì khi triển khai theo mô hình, chúng tôi không làm theo hướng outsourcing mà làm theo hướng chia sẻ lợi nhuận, doanh thu. Vì thế VNPay không cung cấp được sản phẩm tốt chúng tôi sẽ không có lợi nhuận, và toàn bộ những gì chúng tôi đầu tư là lãng phí. Tôi nghĩ đấy là hướng đi đã mang lại đến thành công", ông Bình nói.
Khi được điều phối viên đề nghị đại diện tân kỳ lân Việt Nam đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp và các startup, ông Bình thừa nhận để khuyên nhà dầu tư, doanh nhân hay các doanh nghiệp khác rất khó, bởi mỗi doanh nghiệp hay mỗi cá nhân đều có điểm mạnh khác nhau. Nhưng theo quan điểm của cá nhân, ông Bình cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng 2 điểm:
2- Con người.
"Năng lực con người Việt Nam cần được nâng lên rất nhiều. Các công ty phải luôn tạo ra môi trường làm việc tốt, sẵn sàng đầu tư, mà đầu tư chỉ 1 - 2 năm không mang lại hiệu quả mà đôi khi phải đến 5 - 6 năm".
VNPAY được xem là khoản đầu tư đầu tiên vào Việt Nam của Vision Fund thuộc SoftBank, quỹ đầu tư thuộc sở hữu của tỉ phú Nhật Masayoshi Son
"Ví dụ, nhiều công ty đang đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), Máy học (ML), dữ liệu lớn (Big Data), nhưng tại thời điểm này, để nhìn ra được các công ty có thành quả về lĩnh vực này thì ở Việt Nam chưa nhìn nhận được nhiều. Nhưng 3 năm nữa, khi dữ liệu ở Việt Nam được số hóa tốt hơn, dán nhãn tốt hơn… sẽ có nhiều dịch vụ và mô hình kinh doanh mới được sinh ra từ đây", đại diện VNPAY cho biết.
Hải Yến