Vốn cho doanh nghiệp phục hồi - Bài 1: 'Bơm' vốn rẻ kịp thời đến với doanh nghiệp

Lê Phương 07:32 | 03/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng,… là những thách thức mà hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề đã và đang gặp phải do dịch COVID-19 gây ra. Đối diện với các khó khăn đó, việc được hỗ trợ nguồn vốn sẽ là động lực để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, việc hỗ trợ nguồn vốn để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang được Quốc hội, Chính phủ triển khai thực hiện thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Hiện một số chính sách đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai với phương châm sớm nhất, hiệu quả nhất.

Phóng viên TTXVN thực hiện loạt bài về “Vốn cho doanh nghiệp phục hồi” phản ánh những nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành cũng như những vấn đề đặt ra để doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn rẻ trong quá trình khôi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Bài 1: "Bơm" vốn rẻ kịp thời đến với doanh nghiệp

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Việc triển khai hỗ trợ lãi suất này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí vay vốn và tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn.

*Hồi sinh lúc khó khăn nhất

Tới thăm Công ty TNHH TKG Taekwang Cần Thơ những ngày đầu hè, chúng tôi cảm nhận rõ sức nóng của sự khẩn trương, gấp rút hoàn thành các đơn hàng của hàng nghìn lao động tại đây. Là công ty có số lượng lao động đông nhất nhì thành phố Cần Thơ, Taekwang đã từng gặp khó trong việc giữ chân lao động giữa thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng. Tuy nhiên, với số tiền trên 115 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi, công ty này đã trả lương cho hơn 9.500 lao động, giúp ổn định nhân sự, phục hồi sản xuất.

Ông Kang Yun Seok, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH TKG Taekwang Cần Thơ chia sẻ: "Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; trong đó phải kể tới gói vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Nhờ vào khoản vay đó, Taekwang Cần Thơ đã có thể trả lương, giữ chân lao động, tránh thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung khi phục hồi sản xuất kinh doanh”. 

"Nếu biến động lớn về lực lượng sản xuất do không được trả lương, có thể kế hoạch mở rộng và nâng cấp của doanh nghiệp sẽ khó thực hiện được như hiện nay", ông Kang Yun Seok nói.

Tương tự tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Garmenttech Pro (Long An), nguồn vốn vay trả lương cho người lao động được ví như tấm phao cứu sinh lúc doanh nghiệp khó khăn nhất do tác động của đại dịch COVID-19.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổng Giám đốc Garmenttech Pro cho hay: "Trở lại hoạt động sau dịch COVID-19 kể từ đầu tháng 10/2021, công ty đã nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và kịp thời vay vốn trả lương cho công nhân trong 3 tháng tiếp theo. Đây như tấm phao cứu sinh giúp chúng tôi kịp thời ổn định đời sống của cán bộ, công nhân viên và duy trì, phục hồi sản xuất. Dự kiến chỉ trong ít tháng tới, chúng tôi sẽ phục hồi hoàn toàn năng lực sản xuất, kinh doanh như trước khi đại dịch xảy ra".

Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động được vay vốn ưu đãi để trả lương cho người lao động khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và sau này là Nghị quyết số 126/NQ-CP về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội, từ khi triển khai thực hiện đến kết thúc đợt giải ngân ngày 31/3/2022, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã giải ngân cho 1.548 người sử dụng lao động với số tiền gần 4.800 tỷ đồng để trả lương cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước theo Nghị quyết số 68 và 126 của Chính phủ.

Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ Chương trình trong hai năm 2022 và 2023.

Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: "Nghị quyết số 11 được ban hành nhằm nhanh chóng triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Với các chương trình tín dụng ưu đãi được giao, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn cho các chương trình. Tính đến nay, trên 2.335 tỷ đồng vốn ưu đãi thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 đã được giải ngân".

Không riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều chương trình ưu đãi, miễn, giảm lãi suất, cơ cấu nợ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng đã được các ngân hàng khác triển khai. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) triển khai ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 6%/năm dành cho doanh nghiệp đến hết ngày 30/6/2022. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng công bố dành 6.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. 

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) triển khai loạt chương trình ưu đãi lãi suất, giảm từ 0,5-2% tùy theo phân khúc khách hàng. Ngoài ra, một số phân khúc khách hàng đặc biệt như doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn được giảm thêm tối đa là 2% nữa. Như vậy, khách hàng có thể được giảm tối đa đến 4% lãi suất cho vay so với mức lãi suất thông thường.

Đồng hành cùng khách hàng, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) khẳng định ngân hàng sẽ tiếp tục theo dõi sát những khách hàng đã thực hiện cơ cấu nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tiếp tục chính sách hỗ trợ để giúp khách hàng vượt qua khó khăn. Đồng thời, Agribank sẽ thực hiện cơ cấu nợ đối với những khoản vay mới phát sinh nợ xấu, tiếp tục chính sách giảm lãi suất trên hợp đồng vay vốn hiện hữu của khách hàng...

Vốn rẻ liệu sắp cạn?

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang "khát" vốn rẻ, mặt bằng lãi suất huy động từ đầu năm tới nay lại đang có xu hướng gia tăng khiến giới doanh nghiệp không khỏi lo lắng dòng vốn rẻ liệu có sắp cạn?

Nhận định về diễn biến này, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: "Để đảm bảo khả năng cung ứng vốn, các ngân hàng vừa qua đã dần dần nâng lãi suất tiết kiệm lên mức phù hợp với yêu cầu thu hút vốn và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Chính vì lẽ đó, lãi suất huy động nhìn chung đã tăng kéo theo lãi suất cho vay cũng sẽ có nhu cầu tăng lên. Tất nhiên, chúng tôi cũng hy vọng rằng lãi suất cho vay trong thời gian từ nay đến cuối năm chỉ tăng khoảng từ 0,5-1% so với mức lãi suất hiện nay".

Mong chờ vốn giá rẻ, cộng đồng doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Mức lãi suất hỗ trợ khoảng 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023. Khoản cấp bù lãi suất sẽ được cho vay thông qua cả các ngân hàng thương mại.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định vốn cho doanh nghiệp trong thời điểm này là rất cần kíp. Bởi trong bối cảnh các chi phí đều tăng lên như hiện nay, điển hình như giá xăng dầu, thì tiếp cận được nguồn vốn rẻ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động, nâng khả năng sinh lời... Do đó, cần có những hành động quyết liệt để sớm triển khai gói hỗ trợ này.

Ở góc độ của một doanh nghiệp sản xuất, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho rằng doanh nghiệp đang rất cần và mong muốn được vay vốn với lãi suất hỗ trợ để từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm phân bón ra thị trường, nhà nông sẽ được hưởng lợi.

Tuy là cơ hội để doanh nghiệp giảm thấp chi phí vay vốn tại ngân hàng nhưng làm sao để các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp cận được với nguồn vốn vay này lại vẫn là một bài toán không dễ dàng. 

Theo Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, vay vốn ngân hàng luôn là một vấn đề không đơn giản với các doanh nghiệp. Bởi để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải đảm bảo đủ các điều kiện về tài sản đảm bảo, không có nợ xấu, khả năng thanh khoản… Và rõ ràng, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như cũng như lịch sử tín dụng tốt thì mới được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi.

Mặt khác, ông Thịnh đề xuất các ngân hàng cần tích cực cho vay các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có các dự án sản xuất kinh doanh tốt và giải ngân dần dần theo tiến độ thực hiện dự án. Từ đó giúp các doanh nghiệp vừa có nguồn vốn hồi phục và tăng trưởng nhưng đồng thời lại vừa được hưởng lãi suất hỗ trợ 2% mà Chính phủ đề ra.

Đồng thời, giới chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn có hướng dẫn thực hiện chi tiết, rõ ràng, cụ thể gói hỗ trợ này để các ngân hàng "bơm" vốn kịp thời, đúng đối tượng, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh thay vì vào kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản...

Về phía các tổ chức tín dụng, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng tuy nền kinh tế đang dần hồi phục, doanh nghiệp đang trở lại guồng quay sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn còn nhiều thách thức mà các ngân hàng phải đối mặt. Trong đó, hiện hữu nhất là áp lực nợ xấu gia tăng khi các chính sách giãn, hoãn, cơ cấu nợ hết hiệu lực triển khai. Đồng thời, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sắp hết hiệu lực vào tháng 8 tới đây. Dù Nghị quyết 42 đang được trình Quốc hội xem xét gia hạn thêm 1 năm nhưng thời hạn này cũng vẫn là một áp lực lớn với các tổ chức tín dụng về xử lý nợ xấu hậu COVID-19, nhất là trong bối cảnh Luật các tổ chức tín dụng không sửa đổi và Luật xử lý nợ xấu chưa thể ban hành.

Do đó, ông Hùng khuyến nghị các ngân hàng phải có chiến lược trích lập dự phòng rủi ro để bao phủ khối nợ xấu trên.

Song song với nguồn vốn vay ngân hàng, thị trường chứng khoán bao gồm cả việc phát hành các cổ phiếu bổ sung cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn tốt của các doanh nghiệp. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn với lãi suất hợp lý và với một lượng đủ lớn để hồi phục và tăng trưởng trong thời gian tới. 

Dù vậy, sau loạt lùm xùm thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị việc quản lý thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu cần phải đi vào nền nếp đảm bảo cho thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn tốt hơn, đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng và phát triển của các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.

Nhìn lại từ tháng 10/2021 đến nay, các doanh nghiệp đã dần quay trở lại, bắt nhịp nhanh chóng vào vòng quay hồi phục và tăng trưởng. Minh chứng rõ ràng nhất là tăng trưởng tín dụng đã bứt tốc trong 3 tháng cuối năm 2021. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tín dụng đã đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021, vượt hơn một nửa chỉ tiêu dự kiến cho cả năm ở mức khoảng 14% theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 20/5/2022. Như vậy, thay vì dồn toa vào nửa cuối năm như trước, tín dụng đã được đẩy mạnh ngay từ đầu năm.

Bài 2: Mạnh tay hỗ trợ, sớm đưa dòng vốn đến doanh nghiệp