Vụ chồng đâm thương vong 3 người giải cứu vợ: Hành vi của nghi phạm có phải là tự vệ không?
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cần làm rõ tình huống, mức độ sử dụng vũ lực để xác định hành vi của người chồng có xếp vào nhóm bắt người phạm tội quả tang, phòng vệ chính đáng hay không.
Công an tỉnh Vĩnh Long vẫn đang tạm giữ hình sự Trần Ngoại Giao (30 tuổi, ngụ tại xã Long An, huyện Long Hồ) để điều tra về hành vi dùng thanh sắt tấn công khiến 1 người chết, 2 người bị thương.
Theo điều tra, trưa 15/11, một nhóm người đi ô tô đến quán cà phê Tâm Giao trên quốc lộ 53 do chị Võ Thị Thúy Hằng làm chủ. Nhóm này bắt chị Hằng lên xe ô tô.
Lúc này, Giao đang hái dừa nghe vợ kêu cứu thì chạy ra trước cửa nhà dùng bình xịt hơi cay xịt vào mặt nhóm người bắt vợ. Tiếp đó dùng thanh sắt đâm nhóm người để giải cứu vợ. Hậu quả khiến 1 người chết, 2 người bị thương.
Đối tượng Giao tại cơ quan điều tra
Trong quá trình điều tra, Công an nghi ngờ bà Võ Kim Chi (53 tuổi, mẹ chị Hằng) là chủ mưu thuê 7 người từ Vũng Tàu xuống Vĩnh Long bắt con gái về vì không muốn cho ở với Giao.
Liên quan đến vụ án này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, cơ quan điều tra cần làm rõ diễn biến hành vi, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực, gây nguy hiểm cho nhau của hai bên.
Đồng thời làm rõ ý thức chủ quan, tương quan lực lượng và hậu quả để xác định những hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự của anh Giao cũng như nhóm người bắt cóc.
Phân tích sâu về hành vi của Giao, luật sư Cường nhận định: Cần làm rõ tình huống, mức độ sử dụng vũ lực để xác định hành vi có được xếp vào nhóm bắt người phạm tội quả tang, phòng vệ chính đáng để loại trừ trách nhiệm hình sự hay không.
Ở trường hợp nhóm bắt cóc xâm phạm thân thể, sức khỏe của người vợ, anh Giao đã yêu cầu thả người nhưng nhóm sử dụng hung khí, công cụ hỗ trợ tấn công lại thì người đàn ông này có quyền tự vệ, chống trả để triệt tiêu sức tấn công của đối phương.
Hành vi phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Hiện trường vụ án
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Trong Điều 24 của Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung tình huống công dân được phép dùng vũ lực, thậm chí gây thương tích cho kẻ phạm tội quả tang trong quá trình bắt giữ. Hành vi bị bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
Luật sư Cường một lần nữa nhấn mạnh, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi chống trả, bắt giữ có cần thiết hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không.
Nếu gây thiệt hại, gây thương tích cho những người đó mà anh Giao và vợ bị đe dọa, nguy hiểm tính mạng thì có được xác định là phòng vệ chính đáng hay không, kể cả hậu quả làm chết người.
Còn cơ quan chức năng xác định anh Giao chống trả quá mức cần thiết thì hành vi này là Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126), hoặc Giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125). Mức án tối đa dành cho người đàn ông này theo 2 tội danh trên lần lượt là 5 và 7 năm tù.
Hương Quỳnh