Vướng mắc giải phóng mặt bằng khiến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có nguy cơ chậm tiến độ
TheoNghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 có nội dung chủ yếu: Dự án gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau). Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, đầu tư theo hình thức đầu tư công. Tiến độ Dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.
Sau 8 tháng triển khai, Dự án đã đạt được một số thành quả ban đầu như cơ bản hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn; Rút kinh nghiệm từ dự án trước để đảm bảo vật liệu xây dựng cho công trình và đặc biệt là sự chuẩn bị cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB),...
Dù có ý nghĩa kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng, thế nhưng dự án trọng điểm này vẫn không tránh khỏi những vướng mắc.
Về vấn đề GPMB: Đây vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án và cần ưu tiên thực hiện trước một bước để bảo đảm tiến độ thi công. Theo báo cáo của Chính phủ, các địa phương đã quyết liệt, tập trung thực hiện, tuy nhiên do khối lượng GPMB lớn, trải dài qua nhiều địa phương, quá trình thực hiện tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh (xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, khiếu nại của người dân…), gây ảnh hưởng đến trực tiếp đến đời sống, sinh kế của người dân nên tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng tiến độ.
Ngày 13/9, tại cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Văn Thành về tiến độ khởi công xây dựng cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn hai, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, cho hay: Các địa phương đã hoàn thành đo đạc thực địa với tổng diện tích thu hồi 6.300 ha. Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; công tác kiểm kê tài sản trên đất và lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số nơi kiểm đếm còn thấp như tỉnh Quảng Trị đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, tỉnh Bình Định đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, tỉnh Phú Yên đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh. 7 tỉnh chưa phê duyệt phương án bồi thường.
Về nguyên vật liệu: Hiện nay, nguồn vật liệu cát đắp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của các dự án trong khu vực. Các bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa nguồn cát hiện có, bổ sung các mỏ mới, nghiên cứu sử dụng các nguồn vật liệu thay thế nhưng vẫn còn nguy cơ thiếu hụt cát đắp ảnh hưởng đến tiến độ Dự án. Để triển khai thi công hoàn thành Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn về nguồn cát đắp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của Dự án.
Nhà thầu bị ảnh hưởng do giá vật liệu tăng cao: Trao đổi với VietnamPlus, ông Lê Văn Quốc, Phó giám đốc Ban điều hành Vinaconex-Trung Nam E&C cho biết, tính đến tháng 6, giá đất đắp theo hợp đồng ký chỉ 84.762 đồng đã tăng tới 215.000 đồng (tăng 153,6%); giá cát vàng (xử lý đất yếu, sản xuất bê tông xi măng) lúc ký 126.600 đồng đã vọt 363.636 đồng (tăng 187,23%); giá nhựa đường lúc ký 11.590 đồng/kg, giờ vọt lên 16.800đồng/kg (tăng gần 45%); giá đá sản xuất bê tông nhựa thời điểm ký là gần 188.239 đồng/m3 đã tăng lên 254.545 đồng/m3 (tỷ lệ tăng giá 35,2%); giá nhiên liệu dầu diezel lúc ký là 11.227 đồng/lít thì tính đến cuối tháng 7 đã tăng lên 27.282 đồng/lít (tăng phi mã 143%), xi măng thời điểm ký chỉ 852 đồng/kg tăng lên 1.255 đồng/kg (tăng 47,3%)… Ngoài ra, giá nhân công tăng 30% nhưng không được điều chỉnh.
Trước viễn cảnh này, lãnh đạo 20 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam đã đồng loạt ký gửi văn bản kiến nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan xem xét giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020. Trong văn bản kiến nghị, Hiệp hội các nhà thầu cao tốc Bắc-Nam cho rằng ngay sau khi khởi công các dự án thành phần, nhà thầu phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính biến động tăng đột biến và liên tục leo thang lên mặt bằng giá mới. Hiệp hội các nhà thầu phản ánh đồng thời cho biết với biến động quá lớn, đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn chỉnh theo hợp đồng không đủ để mua vật tư, vật liệu.