Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được tách thành dự án độc lập
Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn số 961/TTg – Cn gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc hoàn thiện thủ tục triển khai Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Theo đó, Thủ tướng thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn và ý kiến của các bộ, ngành liên quan về việc tách Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng ra khỏi Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn thành dự án độc lập để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành; giao UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục là cơ quan chủ quản để tổ chức thực hiện Dự án thành phần 2 sau khi tách theo đúng các quy định của pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 172/TB – VPCP ngày 13/6/2022; chủ trì, phối hợp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án của Dự án thành phần 2 để hoàn thiện các thủ tục chấm dứt phụ lục Hợp đồng theo quy định pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, không để xảy ra tranh chấp khiếu kiện; khẩn trương tổ chức hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định.
Trước đó, vào tháng 8/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Công văn số 920/UBND - KT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện thủ tục triển khai Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Tại công văn này, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng cho phép tách Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, có mục tiêu kết nối cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với cửa khẩu Hữu Nghị ra khỏi Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thành dự án độc lập để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức thực hiện dự án sau khi tách.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép tỉnh này và các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án của Dự án thành phần 2 hoàn thiện các thủ tục chấm dứt phụ lục hợp đồng. Để đảm bảo tính khả thi tài chính, vào tháng 6/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép triển khai Dự án thành phần 2 theo quy định của Điều 70, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), với tổng mức đầu tư là 7.609 tỷ đồng, gồm vốn nhà nước 3.500 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 4.109 tỷ đồng, thay vì nhà đầu tư phải bỏ 100% vốn.
“Hiện Chính phủ đã phê duyệt hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 cho Dự án thành phần 2, trong đó, vốn ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng; đồng thời đã có một số ngân hàng cam kết tài trợ vốn, đảm bảo tính khả thi cho phương án tài chính của dự án”, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin.
Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng trước đây được nghiên cứu đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Do khó khăn trong công tác đàm phán khoản vay và để đẩy nhanh tiến độ triển khai, bảo đảm hoàn thành đồng bộ với đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) đang được đầu tư theo hình thức BOT, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn, vào tháng 12/2017, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trương bổ sung đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Đến tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề xuất này của Bộ GTVT, đồng thời giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện dự án.
Do gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng nên suốt hơn 4 năm qua, Dự án thành phần 2 vẫn chưa thể triển khai trên thực địa, dù đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Bắc Giang - Chi Lăng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cách đây hơn hai năm. Tuy nhiên, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km chưa hoàn thành đã khiến tuyến cao tốc này chưa phát huy được hết hiệu quả kinh tế. Việc Lạng Sơn đề nghị tách dự án Hữu Nghị - Chi Lăng ra làm dự án riêng là phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với quy định pháp luật.
Được biết, hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư quan tâm, muốn thực hiện dự án này. Lưu lượng xe của dự án được đánh giá rất tiềm năng, đông đúc vì là tuyến đường huyết mạch đi cửa khẩu, đồng thời kết nối với hai tuyến cao tốc còn lại là Bắc Giang - Lạng Sơn và Đồng Đăng - Trà Lĩnh (trong tương lại gần), đồng thời là tuyến cao tốc nằm giữa khu vực kinh tế phát triển năng động nhất của Lạng Sơn thuộc thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, huyện Văn Lãng.