Vượt khó, doanh nghiệp hàng không trên đà phục hồi
Cùng với đó là năng lực và thực tế tái cấu trúc của các doanh nghiệp ngành hàng không; mức độ hội nhập của ngành hàng không ở khu vực và trên phạm vi toàn cầu; tác động tổng hợp từ các chính sách của Nhà nước.
Trên cơ sở này, với kịch bản kỳ vọng, năm 2022, ngành hàng không Việt Nam sẽ phục hồi, khả năng cạnh tranh có thể đạt mức trước đại dịch, các chỉ số hiệu quả cơ bản về hoạt động của ngành cũng trở về trạng thái bình thường trước đại dịch.
Dù vậy, thống kê 4 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hành khách bằng đường hàng không tăng 26,3% về vận chuyển và tăng 36% về luân chuyển so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 16,9% và giảm 44,7% so với thời điểm trước dịch COVID năm 2019. Điều này khiến kết quả hoạt động vận tải hàng không của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) ghi nhận kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hợp nhất từ năm 2020 đến quý I/2022 bị lỗ và vốn chủ sở hữu hợp nhất bị âm tại thời điểm 31/3/2022 theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022. Điều này dẫn đến cổ phiếu HVN tiếp tục thuộc diện kiểm soát theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh
Để khắc phục tình trạng này, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa có báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu vào diện kiểm soát.
Theo đó, năm 2022, Tổng Công ty tập trung thực hiện 3 giải pháp khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất, bao gồm: cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh vận tải hàng không; cơ cấu tài sản (bán, bán và thuê lại máy bay); thoái vốn tại một số doanh nghiệp có vốn góp.
Các giải pháp này nằm trong Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến mục tiêu không tiếp tục bị lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất cuối năm 2022.
Cũng theo đề án này, giai đoạn 2023 - 2025, Tổng Công ty sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện kết quả sản xuất, kinh doanh và bổ sung vốn chủ sở hữu để từng bước vượt qua khủng hoảng, phục hồi và phát triển.
Không chỉ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP, trong bối cảnh ngành hàng không còn nhiều thách thức, nhất là khi giá xăng liên tục tăng cao, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet, mã chứng khoán: VJC) cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh vận tải hàng không.
Theo đó, Vietjet đã đầu tư đội tàu bay thân rộng Airbus A330 - 300 theo mô hình hàng không chi phí thấp, hướng tới giai đoạn phát triển đường bay mới tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và châu Âu.
Năm 2022, Vietjet đặt mục tiêu nâng đội tàu bay lên 82 tàu, khai thác 100.000 chuyến bay, vận chuyển được 18 triệu lượt hành khách.
Bên cạnh đó, để gia tăng dòng tiền cho doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, Vietjet đang nghiên cứu bổ sung thêm các tàu bay hàng hóa, đẩy mạnh phát triển vận chuyển hàng hóa, logistics điện tử (e-logistics), chuyển phát nhanh, vận chuyển có đảm bảo và có giá trị cao, trở thành mảng kinh doanh trọng điểm của Vietjet.
Liên quan đến giá xăng dầu tăng, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Tô Việt Thắng cho hay, hãng đang triển khai đồng bộ các giải pháp để quản lý chi phí nhiên liệu bao gồm tiết kiệm nhiên liệu với đội bay mới và hiện đại.
Giai đoạn tiếp theo, hãng sẽ tiếp tục chương trình giám sát, quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 từ máy bay trong hoạt động hàng không dân dụng, tiến tới cắt giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu.
Trên thị trường chứng khoán giao dịch phiên 15/6, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP đang ở mức 16.400 đồng/đơn vị; thị giá cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet là 124.300 đồng/đơn vị.