WB: Hệ thống đô thị hóa tại Việt Nam đã đạt điểm uốn giảm dần hiệu quả

20:42 | 14/09/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là đánh giá trong nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về chuyển đổi đô thị hóa Việt Nam được đưa ra tại Hội thảo tham vấn “Nghiên cứu về đô thị hóa Việt Nam của WB”, ngày 13/9 tại Hà Nội.

WB: Hệ thống đô thị hóa tại Việt Nam đã đạt điểm uốn giảm dần hiệu quả - ảnh 1
Hội thảo tham vấn “Nghiên cứu về đô thị hóa Việt Nam của WB”. Ảnh:Minh Nhật/DNVN. 
 Hội thảo do Viện Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với WB tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Đô thị hóa và ngã rẽ quan trọng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Steffi Stallmeister, Giám đốc điều hành WB cho rằng, trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam là điển hình trên thế giới về phát triển và thoát nghèo với tốc độ đô thị hoá tăng hơn 30%. Việt Nam đã tránh được bẫy nghèo đói.

“Tuy nhiên, nghiên cứu về đô thị hóa cũng cho thấy, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng cho sự phát triển. Việt Nam cần vượt qua những thách thức từ ngã rẽ này, với nhiều vấn đề về thể chế cần giải quyết”, bà Steffi Stallmeister nói.

Phân tích sâu hơn nhận định trên, ông Zhiyu Jerry Chen, chuyên gia cao cấp về đô thị, đại diện nhóm nghiên cứu của WB về đô thị hoá tại Việt Nam cho rằng: Qua hai năm nghiên cứu, đi thực tế, tiếp xúc với nhiều học giả cấp trung ương và địa phương, nhóm nghiên cứu của WB nhận thấy lộ trình đô thị hóa của Việt Nam rất khác với Hàn Quốc và Trung Quốc, cho dù Việt Nam và hai nước này có cùng một mức chuẩn là 35% đô thị hóa.

Theo ông Zhiyu Jerry Chen, Hàn Quốc và Trung Quốc bắt tay vào quỹ đạo đô thị hóa nhanh hơn nhiều cùng với quá trình tăng trưởng. Còn tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa đang tạo ra rất nhiều thách thức về vấn đề năng suất lao động, môi trường và tăng trưởng bền vững.

Nếu xét việc chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng đô thị theo không gian, thì Việt Nam chia thành hai cấp độ cho cả đô thị hoá và công nghiệp hoá. Cấp độ 1 là hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, còn lại là cấp độ 2. Sự khác biệt giữa hai cấp độ là rất cao, lên tới 50%-60%.

“Việt Nam đang thực hiện chính sách tài khoá cào bằng, đó là chuyển tài khóa từ nơi tăng trưởng dân số cao tới nơi tăng trưởng dân số thấp, đồng nghĩa với việc nơi có tăng trưởng dân số cao sẽ bị thiếu đầu tư cho tăng trưởng. Đó là lý do tại sao Hà Nội và TPHCM có tốc độ tăng trưởng đầu tư hằng năm thấp hơn mức trung bình cả nước. Tăng trưởng về vốn tại hai thành phố lớn này còn tệ hơn, thậm chí là âm”, ông Zhiyu Jerry Chen so sánh.

Cùng với đó, ông Zhiyu Jerry Chen cho rằng, tại Việt Nam, quá trình dịch chuyển lao động có xu hướng suy giảm. Tính từ năm 2011-2016, mức độ dịch chuyển chỉ chiếm 3% mỗi năm khiến tốc độ đô thị hoá giảm dần. Nguyên nhân của sự giảm sút này trước nhất phải nói đến vấn đề hộ khẩu. Tiếp đến là dịch vụ xã hội và nhà giá rẻ không đảm bảo cho nhu cầu người lao động khiến quá trình dịch chuyển lao động bị hạn chế. Đó là chưa kể đến những bất cập trong chính sách đất đai, nguồn lực lao động và các chính sách tài khoá khác.

Sự thiếu đồng đều trong hai cấp độ thành thị và nông thôn trên đã khiến sự tăng trưởng kinh tế của các thành phố lớn trong vòng 10 năm qua không tạo được khác biệt lớn, không giống như các nước trên thế giới thường có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở thành phố. Điều này tạo ra nhiều thách thức cho dư địa ngân sách và nguồn lao động, làm cho tăng trưởng năng suất lao động chậm lại, hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ chậm phát triển, tạo ra sự đình trệ trong phát triển kinh tế đô thị.

Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam cũng cho thấy, sự liên kết ngành ở khu vực cấp độ 1 và cấp độ 2 là rất kém. Hai thành phố lớn chỉ phát triển trong bán kính 10 km, ngoài bán kính này hiệu ứng tích tụ kinh tế giảm, dịch chuyển lao động hạn chế và liên kết cơ sở hạ tầng, liên kết kinh tế, liên kết ngành rất yếu. Sự phân tán không gian vùng miền là nguyên nhân chính khiến quá trình tập trung tích tụ kinh tế thấp. Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động đầu tư nước ngoài và chỉ phát triển một phần nhỏ về lĩnh vực thương mại.

“Hệ thống đô thị đã đạt điểm uốn mà hiệu quả kinh tế đang giảm dần. Nếu tiếp tục theo mô hình này sẽ không tạo ra hiệu quả về năng suất. Mô hình phát triển không thể bền vững kéo dài”, ông Zhiyu Jerry Chen nhấn mạnh.

Chuyển đổi mô hình đô thị hóa với khả năng chống chọi cao hơn

Nghiên cứu của WB khuyến nghị Việt Nam cần phải chuyển đổi mới hình đô thị hoá với khả năng chống chọi cao hơn, theo hướng nền kinh tế tích tụ hơn và liên kết vùng tốt hơn. Định hướng chính sách này cần phải xử lý theo phân bổ tài khoá, đất đai cũng như cách chính sách khác nhằm thu hẹp khoảng cách vùng, gia tăng dịch chuyển lao động.

WB: Hệ thống đô thị hóa tại Việt Nam đã đạt điểm uốn giảm dần hiệu quả - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Những yêu cầu trên đồng nghĩa với việc phải làm sao cải thiện được an sinh xã hội, cải cách dịch vụ công về hộ khẩu, tạo điều kiện cho người lao động thuê nhà giá rẻ, cải thiện kỹ năng lại động cho người di cư…

Cần kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động chuyển đổi sử dụng đất trong quá trình đô thị hóa. Củng cố lại khu công nghiệp theo hướng xem xét lại tiềm năng kinh tế và hiệu quả kinh tế. Tăng cường liên kết quy hoạch và phân bổ tài khoá theo công thức phân bổ lại ở khu vực tăng trưởng nhanh, tự thưởng cho khu vực tăng trưởng cao hơn; khuyến khích sử dụng công cụ tài chính như tăng cường đối tác công tư, phân bổ ngân sách.

Cuối cùng, WB khuyến nghị các chính sách của Việt Nam cần khuyến khích, tạo thuận lợi cho liên kết vùng và giữa các tỉnh sử dụng cơ chế trợ cấp đối ứng đặc biệt vượt ra ngoài ranh giới địa lý.