WB: Nếu khủng hoảng dịch kéo dài, Việt Nam nên cân nhắc biện pháp tài chính, tiền tệ

14:36 | 27/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo của WB vừa nhấn mạnh: Nếu khủng hoảng tiếp tục kéo dài, Chính phủ Việt Nam có thể cần cân nhắc hỗ trợ nền kinh tế thêm bằng các biện pháp tài chính và tiền tệ.
Theo baoquocte.vn, trong Báo cáo giám sát vĩ mô Việt Nam, World Bank (WB) cho biết, thặng dư thương mại hàng hóa sơ bộ của Việt Nam trong tháng 1 ước đạt 1,1 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tháng 1 tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020 - mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa lần lượt tăng 51,8% và 41,8% so với cùng kỳ năm 2020.
 
 
WB: Nếu khủng hoảng dịch kéo dài, Việt Nam nên cân nhắc biện pháp tài chính, tiền tệ - ảnh 1
Báo cáo của WB cho biết, thặng dư thương mại hàng hóa sơ bộ của Việt Nam trong tháng 1 ước đạt 1,1 tỷ USD
 
Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh vào năm 2020, trong khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tăng mạnh trở lại.
 
Trong khi đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN và Mỹ cũng trên đà tăng, tương tự như thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và EU.
 
Trong tháng đầu tiên của năm 2021, Chính phủ Việt Nam chi ngân sách tổng cộng 99.600 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư công đạt 15.000 tỷ đồng, với tỷ lệ giải ngân đạt 3,25%.
 
Theo WB, trong khi nền kinh tế Việt Nam đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng Covid-19, kết quả sơ bộ từ cuộc khảo sát vào tháng 1 của tổ chức này cho thấy, gần 1/2 số hộ gia đình được thăm dò vẫn có mức thu nhập thấp hơn năm trước. Khoảng 9% hộ gia đình phải đi vay và 15% cắt giảm chi tiêu.
 
WB đánh giá, viễn cảnh tăng trưởng của năm 2021 sẽ phụ thuộc vào việc cơ quan chức năng kiểm soát đợt dịch mới bùng phát tốt và nhanh như thế nào, cũng như thời gian triển khai tiêm chủng vaccine trong nước và trên thế giới.
 
Nếu khủng hoảng tiếp tục kéo dài, Chính phủ có thể cần cân nhắc hỗ trợ nền kinh tế thêm bằng các biện pháp tài chính và tiền tệ.
 
WB cho rằng, Việt Nam cũng cần quan tâm theo dõi đặc biệt tới dư địa tài khóa, sức khỏe của khu vực tài chính và những tác động xã hội tiềm tàng vì mất thu nhập kéo dài ở một số hộ gia đình có thể dẫn đến tình trạng bất bình đẳng.
 
Trước đó, trong một số báo cáo của mình, WB đều cho rằng kinh tế Việt Nam trong năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của COVID-19 nhưng vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn.
 
WB đã bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới.
 
WB: Nếu khủng hoảng dịch kéo dài, Việt Nam nên cân nhắc biện pháp tài chính, tiền tệ - ảnh 2
WB  bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới.
 
Trong lúc hầu hết các quốc gia còn do dự, chưa biết nên quyết theo hướng nào, Việt Nam đã có những phản ứng nhanh và mạnh dạn. Các biện pháp ứng phó sớm, theo dõi và xét nghiệm có mục tiêu, công bố thông tin minh bạch, kết hợp với chiến dịch truyền thông sáng tạo đã cho thấy hiệu quả rất cao cho đến thời điểm này. Mặc dù có vị trí gần Trung Quốc, dân số tương đối lớn, Việt Nam cũng đã chiến thắng số mệnh với tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng hạn chế.
 
Báo cáo của WB cũng cho rằng, Việt Nam không nên tư duy theo hướng trở lại trạng thái bình thường cũ mà thay vào đó, tìm hiểu trạng thái bình thường mới sẽ ra sao khi đại dịch làm thay đổi cách con người sống và làm việc.
 
Việt Nam sẽ phải vận động trong một thế giới bất định cả ở trong nước và quốc tế trong thời gian tới. Chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tìm hướng thay thế cho những động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia, gồm cầu nước ngoài và cầu suy yếu trong nước”, WB khuyến nghị.
 
Theo đó, Chính phủ Việt Nam sẽ phải chuyển đổi cách tiếp cận theo hướng thận trọng mở cửa biên giới, triển khai gói kích thích tài khóa quy mô lớn và hỗ trợ đúng đối tượng doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nhất trong xã hội.
 
Trước bối cảnh nhiều thách thức, Việt Nam đã và đang phát huy truyền thống lâu đời trong việc chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, bên cạnh đó vẫn linh hoạt áp dụng các cải cách quan trọng và chuyển đổi sang bối cảnh mới. Việc kết hợp giữa tầm nhìn xa và tính thực tiễn này đã được áp dụng thành công để ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.
 
Minh Hoa