Góc nhìn chuyên gia: Mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% năm nay 'hoàn toàn có thể thực hiện được'
Tổng cục Thống kê (TCTK) gần đây đã công bố dữ liệu kinh tế 3 tháng đầu năm 2022, trong đó ước tính tăng trưởng GDP quý I đạt 5,03%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát cơ bản của toàn nền kinh tế ước tăng 1,92% trong quý so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh giá xăng dầu, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nhiên nguyên vật liệu thế giới.
Con số tăng trưởng 5,03% trong quý I phản ánh đà phục hồi của nền kinh tế vẫn đang tiếp diễn. Nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Quốc hội đặt ra trong năm nay, nhiệm vụ tăng trưởng cho những quý còn lại rất nặng nề.
Ngoài ra, nhìn lại năm 2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 2,58%. Điều này đồng nghĩa để đạt mức tăng trưởng mục tiêu 6,5-7% trong cả nhiệm kỳ 2021-2025, tốc độ tăng trưởng trong 4 năm còn lại bao gồm cả năm 2022 ít nhất phải đạt 7,5%. Nhìn lại những năm gần đây, từ năm 2008 đến nay, chưa năm nào tăng trưởng GDP nước ta đạt mức 7,5%.
Trong bối cảnh nhiệm vụ tăng trưởng năm 2022 nặng nề như vậy, Doanhnhanvn.vn đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính về triển vọng phục hồi, phát triển trong phần còn lại của năm.
PV: Ông đánh giá thế nào về con số tăng trưởng GDP đạt 5,03% trong quý I? Với mức tăng trưởng quý I như vậy, liệu mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% cả năm nay liệu có khả thi?
Nếu không có gì đặc biệt, cá nhân tôi cho rằng mức 6-6,5% mà Quốc hội đặt ra trong năm nay là hoàn toàn có thể thực hiện. Thậm chí đầu năm nay, tôi cho rằng tăng trưởng GDP năm nay hoàn toàn có thể đạt 7-7,5%, tất nhiên cho đến nay nhiều điều kiện đã thay đổi.
Trong thời gian tới, từ quý II trở đi, nhiều gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 350 nghìn tỷ cũng sẽ đi vào triển khai, chẳng hạn gói đầu tư công dự kiến triển khai trong tháng 4 tháng 5 tới đây. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ khác như giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu dự kiến cũng giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng mạnh mẽ hơn, từ đó kỳ vọng tăng trưởng GDP những quý sau sẽ cao hơn.
PV: Theo ông, đâu sẽ là trụ cột chính cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm?
Tôi cho rằng trong năm nay, 3 trụ cột quan trọng cho tăng trưởng vẫn sẽ là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Trong đó, động lực quan trọng nhất là đầu tư.
Về đầu tư, rõ ràng vốn đầu tư công trong năm 2022 sẽ là rất lớn, một phần từ kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025, đồng thời một phần khác đến từ gói đầu tư kết cấu hạ tầng nằm trong quy mô Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 350 nghìn tỷ. Do đó, rất cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để tạo sức bật cho nền kinh tế.
Một bộ phận quan trọng khác đóng góp vào động lực đầu tư là đầu tư của khu vực tư nhân. Nhìn vào số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng đáng kể trong 3 tháng vừa qua (tăng 18,1% về số doanh nghiệp và tăng 5,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái - PV), ta kỳ vọng đầu tư của khu vực tư nhân sẽ tăng mạnh trong năm nay, tạo động lực phục hồi kinh tế.
Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đến nay vẫn là một nguồn vốn không thể thiếu được trong phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam. Tất nhiên, việc FDI trong thời gian gần đây có giảm so với năm ngoái (FDI đăng ký quý I đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái - PV), nhưng theo tôi điều này không có gì là ghê gớm quá. Có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới, dẫn đến việc tăng lãi suất làm cho dòng vốn tương đối lớn bị hút về các nước phát triển.
Cũng phải thấy rằng mức giảm vốn FDI của Việt Nam trong quý I là tương đối thấp so với mức giảm FDI bình quân 2 năm qua của thế giới. Điều quan trọng hơn là các nhà đầu tư vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư ở Việt Nam, điều này thể hiện ở việc phân bổ vốn FDI vào nền kinh tế, khi vốn FDI thực hiện 3 tháng đầu năm tăng tới 7,9%. Đây là chỉ dấu cho thấy vốn thực tế bỏ ra đầu tư vào nền kinh tế VN vẫn đang tăng trưởng tốt.
Về xuất khẩu, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch thương mại của cả nước trong quý I ước tính đạt 176,35 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt ấn tượng là có tới 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Với lợi thế tận dụng các FTA, tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế những tháng tới đây.
Về tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I ước đạt 1.318 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tín hiệu này rất lạc quan, vì tiêu dùng nội địa đã giảm rất mạnh trong 2 năm vừa qua, mãi đến 2 quý gần đây mới cho thấy tín hiệu khởi sắc. Chính phủ cũng rất quan tâm đến kích cầu tiêu dùng để kích thích phục hồi và tăng trưởng, chẳng hạn như gói giảm thuế VAT 2% chẳng hạn.
PV: Trong bối cảnh áp lực nhập khẩu lạm phát rất lớn gây sức ép lên kiểm soát lạm phát trong nước, nhiều tổ chức đã nâng dự báo CPI Việt Nam trong năm nay. Ý kiến của ông ra sao?
Từ năm ngoái tôi đã nhận định áp lực lạm phát năm 2022 cao hơn so với những năm gần đây, đến giờ vẫn thế. Nhưng tôi cho rằng điều này không quá đáng ngại.
Theo tính toán của tôi, trong kịch bản cơ sở, CPI của Việt Nam năm nay nằm trong khoảng 3,8-4,2%, tức là vượt một chút so với ngưỡng mục tiêu lạm phát 4% mà Quốc hội đưa ra. Tuy nhiên tôi cho rằng điều này cũng không sao cả, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã có kinh nghiệm kiểm soát giá cả rất tốt, nền tảng vĩ mô trong nước hiện nay cũng tốt hơn nhiều so với giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008 trước đây.
PV: Xin cảm ơn ông!