WTO chính thức thảo luận về từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19
Sau một cuộc họp kín, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngozi Okonjo-Iweala ra thông báo hoan nghênh động thái mới nhất của Mỹ khi sẵn sàng tham gia vào đàm phán việc tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ của WTO (TRIPS): “Chúng ta cần phản ứng khẩn cấp với COVID-19 vì thế giới đang chờ đợi và nhiều người đang chết. Tôi rất vui vì các bên đề xuất sáng kiến đang chuẩn bị sửa lại văn bản đề xuất, và tôi đã thúc giục họ hoàn thành càng sớm càng tốt để có thể bắt đầu các cuộc đàm phán trên cơ sở văn bản”.
Các chuyên gia thương mại nhận định đàm phán của WTO về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 có thể kéo dài nhiều tháng, trong trường hợp có thể vượt qua được sự phản đối từ một số nước thành viên quan trọng.
Đàm phán của WTO về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 có thể kéo dài nhiều tháng
Các cuộc đàm phán nhiều khả năng sẽ tập trung vào xây dựng một thỏa thuận từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ có quy mô hẹp và trong thời gian ngắn hơn so với bản đề xuất ban đầu mà Ấn Độ và Nam Phi đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.
Trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố sự ủng hộ, hai nước Ấn Độ và Nam Phi xác nhận có ý định soạn thảo một đề xuất khác sau khi vấp phải nhiều phản đối trong 7 tháng qua.
Clete Willems, cựu quan chức thương mại của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump, từng làm việc trong phái đoàn của Mỹ tại WTO nhận định, ít nhất phải mất một hoặc hai tháng đàm phán. Ông nói: “Hiện tại vẫn chưa có một đề xuất nào được đặt lên bàn đàm phán với nội dung từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine”.
Willems, hiện là một đối tác thương mại tại công ty luật Akin Gump tại Washington dự báo, mục tiêu thực tế hơn là kịp hoàn tất thỏa thuận vào thời điểm Hội nghị Bộ trưởng WTO tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 30-10 đến 3-12.
Trong khi việc đàm phán đã nhận được ủng hộ của Tổng thống Mỹ Joe Biden thì Đức, nước đặt công ty đối tác của Pfizer là BioNTech, đã lên tiếng phản đối. Ngày 6/5, người phát ngôn của chính phủ Đức nói khả năng sản xuất vaccine mới là yếu tố chính kìm hãm nguồn cung vaccine chứ không phải vấn đề bản quyền. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen thì nói ngắn gọn bà sẵn sàng thảo luận về các kế hoạch của ông Biden.
Chính quyền Mỹ đã rót hàng tỷ USD vào nghiên cứu và đặt mua trước vaccine COVID-19 từ năm ngoái.
Một nguồn tin trong ngành công nghiệp dược phẩm cho biết, các công ty của Mỹ sẽ đấu tranh để đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ nào sẽ bị hạn chế và thu hẹp càng nhiều càng tốt.
Phe ủng hộ việc từ bỏ bản quyền vaccine COVID-19 thì khẳng định các công ty dược phẩm sẽ chỉ chịu thiệt hại nhỏ vì thỏa thuận từ bỏ bản quyền sẽ chỉ mang tính tạm thời và các công ty này vẫn có thể bán được những mũi tiêm tiếp theo trong thời gian vài năm sau đó.
Thu Thắm
Xem thêm: Tổng thống Mỹ ra quyết định lịch sử chia sẻ quyền sản xuất vaccine COVID-19 cho thế giới