Xây cao tốc Vân Phong - Nha Trang, tổng mức đầu tư 13.192 tỷ trong giai đoạn 2021-2025

16:19 | 18/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là một trong 10 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Báo đầu tư cho biết ban quản lý dự án 7 vừa trình Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi – Dự án thành phần đoạn Vân Phong – Nha Trang thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
 
Theo đó, tuyến cao tốc này có điểm đầu tại nút giao phía Nam hầm Cổ Mã (tiếp nối với đường cao tốc Tuy Hòa – Vân Phong) thuộc địa phận, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại vị trí nút giao với đường Quốc lộ 27C kết nối với đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh.
 
Một đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Lạng Sơn.
Một đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Lạng Sơn.
 
Dự án có chiều dài tuyến 83 km được đề xuất phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m; 4 – 5 km bố trí đoạn dừng xe khẩn cấp với tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 585 ha.
 
Tính toán sơ bộ của Ban Quản lý dự án 7 cho biết, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 13.192 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 8.170 tỷ đồng, được đầu tư bằng hình thức PPP.
 
Với phương án (kiến nghị) thời gian thu phí dự kiến 20 năm, phần vốn Nhà nước sẽ tham gia khoảng 4.000 tỷ đồng, tương đương 31.42%. Với phương án 2 thời gian thu phí dự kiến 15 năm, vốn ngân sách Nhà nước phải tham gia tối thiểu khoảng 6.550 tỷ đồng, tương đương 50,61%.
 
Ban Quản lý dự án 7 đề xuất, trong giai đoạn 2020 – 2021 sẽ tập trung thực hiện công tác chuẩn bị dự án và triển khai công tác đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2024.
 
Báo Dân sinh thông tin cụ thể lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 cho biết, việc đầu tư xây dựng cao tốc Vân Phong - Nha Trang có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải và hoàn chỉnh tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, có năng lực lớn, an toàn tốc độ cao. Đồng thời, dự án có vị trí quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Không chỉ vậy, dự án còn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng.
 
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 7 để thỏa thuận về hướng tuyến của dự án này. Theo đó, UBND tỉnh khẳng định, hướng tuyến mà chủ đầu tư đề xuất phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 năm 2016, Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 140 năm 2010. UBND tỉnh đồng ý điểm đầu và điểm cuối dự án như đề xuất.
 
Tuyến đường đi vào khu vực có địa hình thuận lợi bằng phẳng, trong đó giao cắt với nhiều tuyến tỉnh lộ của tỉnh như: Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 5, Tỉnh lộ 7, Tỉnh lộ Xuân Sơn, Tỉnh lộ 8 và Quốc lộ 27C.v
 
Nguyễn Triệu