Xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm
Những gam màu sáng
Tổng cục Thống kê cho biết: Tháng 1, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,37% so với cùng kỳ, giá cả hàng hóa tương đối ổn định, nhất là hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh toán, cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế trong dịp Tết; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.
Điểm sáng nổi bật ngay từ tháng 1 phải kể đến sản xuất công nghiệp; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.
Thêm vào đó, cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới tăng 24,8% so với cùng kỳ 2023; gần 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023 và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023. Từ đó, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1/2024 lên hơn 27,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2023.
Về đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 1/2024 ước đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, bằng 4,4% kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ 2023. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/1/2024, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 1/2024 ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2023.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ 2023. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ 2023; trong đó, xuất khẩu tăng 42%, nhập khẩu tăng 33,3%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD.
Cũng trong thời gian gần đây, các tổ chức quốc tế đã đưa ra rất nhiều dự báo lạc quan về nền kinh tế Việt Nam năm 2024. Đơn cử, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn và đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm 2024. Thêm nữa, giới chuyên gia và các xu hướng kinh tế thế giới cũng dự báo xuất hiện các tín hiệu cho thấy kinh tế thế giới có nhiều triển vọng lạc quan trong năm 2024.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức, như: Sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn; cầu tiêu dùng trong nước dịp cận Tết tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 1,6% so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn cận Tết các năm từ 2020 đến nay (trên 3,5%). Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Trong tháng 1, cả nước có gần 53,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phản ánh khó khăn, thách thức của doanh nghiệp còn lớn. Doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn; dư nợ tín dụng đến ngày 18/1 giảm 1,52% so với cuối năm 2023. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chậm được sửa đổi, còn vướng mắc, chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tỷ lệ nợ xấu cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra; việc xử lý ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng "0 đồng" còn nhiều khó khăn. Thu ngân sách Nhà nước tháng 1 giảm 2,8% so với cùng kỳ.
Triển khai ngay các giải pháp từ đầu năm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2024 cần được xác định là năm có ý nghĩa then chốt. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực ngay từ đầu năm 2024.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp một số trọng tâm như: Các địa phương cần thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Tiếp đến, các bộ, cơ quan chủ động xây dựng các văn bản quy định và triển khai công việc cụ thể được giao, bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội. Bên cạnh đó, Chính phủ khẩn trương xây dựng, ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Giao dịch điện tử...
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, chủ động tính toán, chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá, các dịch vụ công, tránh điều hành giật cục, bị động…
Bên cạnh đó, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng được chú trọng ngay từ đầu năm. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh: Giải ngân vốn đầu tư công vừa là giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, vừa là trụ đỡ tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn phát triển. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng ngay từ những tháng đầu năm.
"Năm 2024, nhiều dự án lớn, dự án quan trọng có tính lan tỏa đã hoàn thiện thủ tục. Điều này cho chúng ta niềm tin chắc chắn rằng, kết quả giải ngân năm 2024 sẽ cao, hoàn thành được mục tiêu đề ra", ông Trung cho hay.
Để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, Bộ này sẽ tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; trong đó, tập trung vào các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU.
Cùng đó, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi.... Đồng thời, tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
"Bộ sẽ phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài; theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Đồng thời, đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Cùng với đó, phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch…", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Bộ này sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để thực hiện đồng bộ giữa công tác hội nhập kinh tế ngoài nước và hội nhập kinh tế trong nước. Đặc biệt, Bộ sẽ chú trọng việc gắn việc thực thi đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình rà soát, bổ sung và hoàn thiện pháp luật và thể chế trong nước. Từ đó, hài hòa hóa pháp luật của Việt Nam với các cam kết quốc tế để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Có thể thấy, sự khởi đầu tốt đẹp với những tín hiệu tích cực trong những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024 cùng niềm tin của các tổ chức quốc tế với dự báo triển vọng sáng, hoàn toàn có thể tin tưởng vào một năm khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam./.