Xây Hồ chứa nước Ka Pét trên 620 ha rừng: Trồng cây thay thế ở 3 địa điểm, khó quản lý nếu không giám sát các nhà thầu khai thác gỗ

Hoàng Huy 10:33 | 08/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để làm Hồ chứa nước Ka Pét, Bình Thuận dự kiến thu hồi vĩnh viễn khoảng 620 ha đất rừng. Địa phương dự kiến sẽ trồng 1844,5 ha rừng thay thế tại 3 địa điểm: Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và khu vực rừng phòng hộ giáp ranh Lâm Đồng.

Phối cảnh dự án. (Ảnh: Dân trí).

Theo báo cáo đánh giá tác đông môi trường (ĐTM) đối với dự án Hồ chứa nước Ka Pét mà UBND tỉnh Bình Thuận lập vừa qua, tổng diện đất cần sử dụng trong quá trình xây dựng công trình hồ chứa nước Ka Pét (bao gồm các công trình đầu mối và hệ thống kênh) là 697,73 ha.

Trong đó, diện tích sử dụng đất rừng là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, đất rừng nhưng không có rừng là 60,14 ha), còn lại là 18,01 ha là đất sản xuất nông nghiệp.

Báo cáo kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp thuộc dự án cho thấy, hầu hết diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực nằm trong dự án là 639 ha (chiếm 94%), trong đó phần lớn là đất rừng sản xuất với 489,1 ha; đất rừng đặc dụng 149,1 ha và một phần rất nhỏ là đất rừng phòng hộ với 0,86 ha. Diện tích có rừng ngoài 3 loại rừng trong khu vực điều tra là 40,72 ha.

Phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực điều tra thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét với 481,7 ha; kế đến là diện tích thuộc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông với 149,1 ha; UBND xã Mỹ Thạnh quản lý 40,7 ha; Công ty TNHH MTV LN Bình Thuận quản lý 8,2 ha.

Diện tích đất sẽ bị thu hồi vĩnh viễn để phục vụ công tác xây dựng dự án là 697,73 ha. Trong đó diện tích đất rừng là 679,72 ha; diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.

Cũng theo báo cáo, việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng đất (đặc biệt là đất rừng) sẽ là giảm diện tích đất rừng tự nhiên, về lâu dài việc mất rừng sẽ mạng lại những hệ lụy vô cùng lớn: Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn,…

Phát quang rừng sẽ phát sinh hơn 46.700 tấn thực vật

ĐTM cho hay, việc phát quang, thu dọn thảm thực vật sẽ phát sinh khối thực vật do quá trình dọn rừng bao gồm các loại cây thân gỗ, cây bụi thuộc rừng trồng, rừng nghèo, rừng trung bình, rừng phục hồi và các loại cây hàng năm.

Trong cơ cấu rừng hiện nay, rừng phục hồi có diện tích 12,97 ha; rừng trung bình là 569,44 ha; rừng nghèo là 43,04 ha; rừng trồng là 7,1 ha; cây hàng năm là 18,01 ha; cây bụi là 21,02 ha.

Theo tính toán của Bình Thuận, tổng lượng sinh khối phát sinh sẽ rơi vào khoảng 46.728,26 tấn. Dự án sẽ tận thu những phần cây còn có giá trị kinh tế (gỗ, tre nứa…) và thu dọn tất cả những phần không tận dụng (lá, rễ,…)

Những hoạt động thu dọn sẽ tăng áp lực đối hệ thực vật và các khu cư trú của những sinh vật sống trên cành như các loài chim. Sẽ rất khó để quản lý việc khai thác gỗ ở khu vực này nếu như không có sự giám sát những nhà thầu khai thác gỗ này.

Một góc khu đất xây dựng Hồ chứa nước Ka Pét. (Ảnh: Báo Bình Thuận).

Trồng rừng thay thế tại 3 địa điểm

Vào tháng 12/2020, Bình Thuận đã duyệt phương án trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích đất rừng tại dự án Hồ chứa nước Ka Pét với 2 đợt, trong đó đợt 1 trồng rừng với diện tích 434,2 và đợt 2 là 1.410,3 ha.

Cụ thể, đối với đợt 1, dự kiến trồng rừng thay thế 144,74 ha rừng tự nhiên (gồm 136,88 ha rừng đặc dụng; 0,51 ha rừng phòng hộ và 7,35 ha rừng sản xuất) nhằm đảm bảo hoàn trả lại diện tích và độ che phủ rừng hiện có trên địa bàn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú.

Mật độ trồng rừng thay thế đợt 1 sẽ là 625 cây/ha theo biện pháp lâm sinh; phương thức trồng thuần loài; các cây sẽ được trồng, chăm sóc trong năm thứ nhất và bảo vệ chăm sóc trong 3 năm tiếp theo.

Đợt 1 sẽ được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 trồng 200 ha ( 2021 – 2024); giai đoạn 2 trồng 134,22 ha (2022 - 2025); giai đoạn 3 trồng 100 ha (2023 - 2026).

Trong đợt 1, mức đầu tư bình quân cho 1 ha rừng trồng khoảng 109 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư trồng rừng thay thế sẽ là hơn 47 tỷ đồng.

Đối với đợt 2, Bình Thuận đang tiến hành rà soát các diện tích rừng để trồng theo hướng ưu tiên trồng bổ sung, phục hồi những loài bản địa trên những diện tích rừng đặc dụng chưa đạt tiêu chuẩn thành rừng.

Rừng thay thế tại đợt 2 sẽ được trồng tại 2 vị trí là Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (910,32 ha) và khu vực rừng phòng hộ giáp ranh Lâm Đồng (500 ha).

Loài cây trồng trong đợt 2 sẽ là cây bản địa phù hợp với điều kiện lâm sinh và đa dạng sinh học của khu bảo tồn. Mật độ trồng là 625 cây/ha theo biện pháp lâm sinh. Thời gian trồng rừng đợt 2 dự kiến là 2022 - 2025.

Mức đầu tư bình quân để trồng rừng thay thế đợt 2 là gần 92 triệu đồng/ha. Tổng vốn đầu tư trồng rừng đợt 2 là gần 130 tỷ đồng.

Như vậy, tổng vốn đầu tư trồng rừng thay thế cả 2 đợt của dự án là gần 177 tỷ đồng.