Xem xét xóa nợ thuế cho doanh nghiệp: Giai đoạn “chấm dứt để khởi đầu”

13:10 | 16/03/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đánh giá cao tinh thần trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội liên quan tới vấn đề xử lý nợ đọng thuế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng nhận định việc xem xét xóa nợ thuế thể hiện một giai đoạn “chấm dứt để khởi đầu” - tiến tới một cách quản lý và xử lý thuế minh bạch, hiệu quả và vì doanh nghiệp nhiều hơn.

Xem xét xóa nợ thuế cho doanh nghiệp: Giai đoạn “chấm dứt để khởi đầu” - ảnh 1
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa). 
Bước khởi điểm tốt…

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, dự thảo nghị quyết của Quốc hội liên quan tới vấn đề xử lý nợ đọng thuế bây giờ mới xem xét cũng đã là muộn vì trên thực tế, có nhiều người và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đã rất lâu. Đó là những món nợ thuế chỉ tồn tại trên sổ sách, cơ quan thuế không thể truy thu.

Dự thảo là những bước đầu tiên, đang ở mức độ chung chung, mang tính nền tảng. Tuy nhiên, việc đưa ra một dự thảo như thế này là hợp lý và là bước khởi điểm tốt để bắt đầu, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, Việt Nam đang hội nhập sâu với nền kinh tế quốc tế thì bên cạnh sự phát triển vượt bậc của doanh nghiệp, có không ít doanh nghiệp bị phá sản do không thể thích ứng để cạnh tranh.

Theo ông Hiếu, sự ra đời của Dự thảo thể hiện ý chí mạnh mẽ của Quốc hội và điều này chứng tỏ một giai đoạn “chấm dứt để khởi đầu” - tiến tới một cách quản lý và xử lý thuế minh bạch, hiệu quả và vì doanh nghiệp nhiều hơn.

...nhưng khó khăn rất lớn

Chuyên gia Hiếu cho rằng, về nguyên tắc ở quốc gia nào cũng vậy, xóa nợ thuế là hợp lý nếu người nợ thuế không còn khả năng thanh toán.

Tuy nhiên ở Việt Nam, có những vấn đề rất dễ phát sinh tiêu cực, từ hai phía - người chịu thuế và chính quyền.

Theo đó, người chịu thuế sẽ tìm mọi cách để được miễn thuế, giảm thuế, tránh thuế, thậm chí trốn thuế. Về phía chính quyền, không thể không nghi ngại vì có công chức thu thuế hưởng lợi cá nhân qua hành động tham nhũng thuế. Vấn đề tham nhũng đang đặc biệt được quan tâm tại Việt Nam.

“Trong giai đoạn đầu thực hiện vấn đề xóa nợ thuế, sẽ có nhiều tiếng nói phản đối từ doanh nghiệp nếu họ cảm thấy bất công khi họ đạt được điều kiện xóa thuế mà lại không được xóa, còn những doanh nghiệp khác lại được’, ông Hiếu nói.

Ông cho rằng, vấn đề xóa nợ trở thành một khó khăn rất lớn trong đời sống xã hội của Việt Nam, tương tự như xóa nợ xấu trong ngân hàng.

Tại Việt Nam, số nợ xấu có lúc lên tới 20% tổng dư nợ. Với lượng nợ xấu thế này, phải xét từ nhiều khía cạnh (từ mất khả năng thanh toán đến xù nợ, phạm pháp hay đẩy nợ xấu lên cao). Để xóa nợ, theo Ngân hàng Nhà nước, phải có chỉ tiêu chắc chắn, có hợp đồng xử lý rủi ro nên xóa nợ không dễ dàng.

Vấn đề xóa thuế cũng vậy, vì trốn thuế và xù thuế rất phổ biến tại Việt Nam. Hiện có rất nhiều hình thức kinh doanh trên mạng với số lượng rất lớn, Việt Nam không đánh thuế được và cũng không có cách nào truy thu thuế một cách có hiệu quả được. Thành ra, vấn đề trốn thuế, tránh thuế ở Việt Nam đang tồn tại rất phổ biến.

Phải tính đến quyền thế chấp và tòa án

Trước khi đưa ra khuyến nghị này, dưới góc độ của một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trên lĩnh vực tài chính-ngân hàng tại Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ về lý do tại sao các cơ quan xóa nợ thuế của Mỹ thực hiện rất nhanh chóng và hiệu quả.

Mỹ có hệ thống kế toán mà những người chịu thuế rất khó tránh được nếu không nộp thuế. Bằng cách, người chịu thuế, ở một thời điểm nào đó mà không trả thuế, cơ quan thuế sẽ áp đặt một quyền thế chấp trên tài sản bất động sản. Khi họ áp đặt quyền đó lên tài sản thì người có tài sản rất khó đi vay chỗ khác được. Khi họ muốn bán tài sản đó đi, họ phải trả thuế cho chính phủ trước. Đi vay ngân hàng, quyền thế chấp của cá nhân hay doanh nghiệp đều đứng sau quyền thế chấp của sở thuế. Cơ quan thuế tại Việt Nam không có quyền áp đặt quyền thế chấp như vậy.

Sự minh bạch về thuế của Mỹ còn thể hiện ở chỗ, hằng năm tất cả người Mỹ từ 16 tuổi trở lên đều phải có một hồ sơ thuế để khai thuế. Người không đóng thuế, sau một thời gian, sở thuế sẽ thông qua hồ sơ thuế để truy tìm ra, gửi giấy yêu cầu họ đến gặp hoặc tìm đến để truy thuế. Đối với những người không có khả năng đóng thuế, sở thuế sẽ cùng ngồi lại với họ theo hai cách hoặc xóa thuế, hoặc gia hạn chậm trả, theo từng kỳ hạn trả góp.

Bên Mỹ, hệ thống kiểm tra rất minh bạch, hiệu quả thông qua số an sinh xã hội. Tài sản xe cộ, nhà cửa đều phải khai trong an sinh xã hội. Tài khoản, ngân hàng hay đi học cũng phải có an sinh xã hội. Cơ quan thuế có thể truy tìm người nộp thuế rất dễ dàng qua số an sinh xã hội này để tìm ra tài sản của họ là bao nhiêu. Hệ thống kiểm tra dân số của Mỹ rất hiệu quả nên khó có thể trốn được với số tài sản lớn.

Cùng với đó, trách nhiệm nộp thuế của người dân Mỹ rất cao vì luật pháp rất nghiêm. Người dân hoặc doanh nghiệp Mỹ có tìm cách trốn thuế nhưng không phổ biến bởi sở thuế thường tìm ra dấu vết để có thể truy tìm được. Sau khi tìm ra dấu vết, sở thuế có thể đưa họ ra tòa để kiện và thu hồi tài sản.

Tại Mỹ, tất cả các hình phạt về tài chính đều phải ra tòa. Điều này khác với Việt Nam, Việt Nam hay thực hiện biện pháp xử phạt hành chính.

Cũng khác với Việt Nam, các cơ quan thuế của Mỹ không thể đến nhà, công ty để thu hồi hoặc đóng tài sản nếu các đối tượng này nợ thuế. Ở Việt Nam, ngân hàng có thể khai báo tài khoản để sở thuế đóng tài khoản, bên Mỹ không có sở thuế nào có quyền như vậy.

“Cơ quan thuế tại Việt Nam đang là quan tòa để đi thu hồi tài sản, điều này rất dễ phát sinh tình trạng trà trộn. Bên Mỹ, cơ quan thuế chỉ làm công tác hành chính, nếu bị phạt thì phải có phán quyết của tòa án, tòa án độc lập với cơ quan thuế. Sự độc lập như thế bảo vệ quyền lợi cho người dân. Người dân có quyền kiện lại cơ quan thuế nếu bị truy thu thuế sai luật.

Chính vì hệ thống tài chính và hệ thống luật pháp minh bạch nên bên Mỹ, chuyện sở thuế lạm dụng tiêu cực hầu như không xảy ra. Người dân và doanh nghiệp Mỹ rất ngại trốn thuế vì họ biết cơ quan thuế sẽ truy tìm họ và có hệ thống tòa án sẵn sàng thu hồi tài sản để hoàn thuế. Ở Việt Nam hầu như sở thuế chính là cơ quan sử dụng quyền xử phạt.

Xem xét xóa nợ thuế cho doanh nghiệp: Giai đoạn “chấm dứt để khởi đầu” - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Để giảm thiểu tình trạng thiếu minh bạch trong hoạt động xóa nợ thuế, theo chuyên gia Hiếu, cần phải có một cơ quan tách bạch giữa lập pháp và hành pháp, đồng thời, phải có những tiêu chí đánh giá cụ thể về đối tượng nợ thuế không thể thanh toán.

Theo ông Hiếu, Việt Nam nên tiến dần đến chế độ mà quyền thế chấp của thuế phải được trung tâm hóa, phải được lưu ký, hệ thống hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngay cả việc thu thiếu thuế của cơ quan thuế cũng phải được xem như là một món nợ được lưu ký quốc gia.

Phải có một cơ quan hay ủy ban để nhận và xét hồ sơ các cá nhân, doanh nghiệp được xóa nợ thuế. Cơ quan này phải được tách ra khỏi cơ quan thuế và nhiệm vụ của cơ quan thuế chỉ là báo cáo tình hình nợ thuế cho bộ phận xử lý thuế và xóa nợ thuế.

“Cần có một cơ quan ra quyết định xóa nợ thuế độc lập với cơ quan hành chính, cơ quan đó có thể phải đặt vào tay Quốc hội. Đây phải là cơ quan có đại biểu quốc hội, có một hội đồng trung ương rồi có chi nhánh ở các tỉnh thành. Có như vậy mới đưa ra được phán quyết công tâm”, ông Hiếu khuyến nghị.

Việc xóa nợ thuế cũng đòi hỏi Chính phủ phải nghiêm khắc hơn nữa đối với hoạt động thu thuế, không cho phép sự quá nhân nhượng để công ty, doanh nghiệp cũng như cá nhân xù thuế. Hình phạt cho đối tượng xù thuế phải được áp đặt từ tòa án chứ không phải từ cơ quan thuế.

Chính phủ nên minh bạch ở chỗ thống kê rõ số nợ thuế hằng năm là bao nhiêu để báo cáo lên Quốc hội, từ đó, đánh giá mỗi năm cơ quan thuế thu hồi được bao nhiêu từ số nợ thuế cũ và phát sinh thêm bao nhiêu nợ thuế mới. Có như vậy mới biết được vấn đề thu thuế, xóa thuế có hiệu quả hay không.

Theo chuyên gia Hiếu, xử lý về thuế phải có tòa án và tòa án phải có những thẩm phán như là một chuyên gia về thuế để hiểu và có phán quyết đúng nhất. Vấn đề xóa thuế đòi hỏi sự cải cách hệ thống pháp luật và hệ thống hành chính của Việt Nam một cách toàn diện hơn.

Ông cũng cho rằng, câu chuyện xóa nợ thuế là câu chuyện dài. Việt Nam mới có dự thảo, sắp tới các cơ quan chức năng phải có cơ chế vận hành cho phù hợp.