Xu hướng lên sàn giao dịch của các ngân hàng thương mại nửa cuối năm

19:42 | 10/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau nhiều lần trì hoãn, nhiều ngân hàng đã đồng loạt lên sàn chứng khoán trong bối cảnh cổ phiếu của ngành này đang rất khả quan.
Theo lộ trình mà Chính phủ đặt ra, năm nay sẽ là hạn cuối cùng để các ngân hàng phải đưa cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại các sàn chứng khoán. Dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, và mới đây là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thì thị trường chứng khoán đang có nhiều khởi sắc và nhiều chuyên gia nhận định lên sàn vào lúc này là một tín hiệu tích cực.
 
Xu hướng lên sàn giao dịch của các ngân hàng thương mại nửa cuối năm - ảnh 1
 
Cổ phiếu ngân hàng đang hấp dẫn khối ngoại
 
Cụ thể, NH TMCP Nam Á (Nam A Bank, mã chứng khoán: NAB) lên sàn UPCoM ngày 9-10. Hơn 389 triệu cổ phiếu NAB sẽ được giao dịch lần đầu trên sàn chứng khoán với giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là 3.890 tỉ đồng, tương ứng với vốn điều lệ hiện tại của NH này. Tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với Nam A Bank là 30% vốn điều lệ, ngân hàng này vẫn chưa có cổ đông lớn nước ngoài.
 
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đăng ký niêm yết 1.175 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng. Theo MSB, việc thực hiện niêm yết sẽ giúp gia tăng giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng, nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu của MSB cả trong nước và quốc tế. 
 
Tiếp sau MSB, HOSE tiếp tục nhận được hồ sơ đăng kí niêm yết của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB). Cụ thể, OCB niêm yết hơn 876 triệu cổ phiếu trên HOSE, tương ứng với giá trị thị trường theo mệnh giá là 8.767 tỷ đồng, bằng với số vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng. 
 
Còn tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, hơn 389 triệu cổ phiếu NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã chính thức lên sàn UPCoM vào 9/10. Giá tham chiếu NAB trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.500 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là hơn 3.890 tỷ đồng.
 
Trong tổng số hơn 389 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, có hơn 49,3 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng. Trong đó, đa phần là sổ cổ phần của thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc của Nam A Bank, số cổ phần này không được chuyển nhượng trong thời gian người đại diện đang đảm nhiệm chức vụ tại ngân hàng.
 
Vào ngày 9/11, LienVietPostBank niêm yết trên HOSE là 976.948.319 cổ phiếu, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.800 đồng/cổ phiếu. Việc niêm yết cổ phiếu LPB trên HOSE sẽ góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị của LienVietPostBank đối với các nhà đầu tư, đồng thời giúp nâng cao thanh khoản của cổ phiếu, qua đó xác định đúng giá trị của cổ phiếu, giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính để tạo ra sự đột phá trong kinh doanh.

Ngày 10/11, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tổ chức Lễ trao quyết định niêm yết và đưa gần 925 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Mã chứng khoán: VIB) vào giao dịch.

Tổng giá trị chứng khoán niêm yết của cổ phiếu VIB đạt gần 9.245 tỷ đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 32.300 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá +/-20%.

Ngay phiên chào sàn, giá cổ phiếu VIB đã tăng hơn 2%, lên mức 32.950 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường theo đó đạt 30.462 tỷ đồng.

Theo các ngân hàng, việc niêm yết cổ phiếu lên sàn không chỉ góp phần nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu, mà còn giúp nâng tầm hoạt động quan hệ giữa nhà đầu tư và NH. Cổ phiếu sẽ là kênh huy động vốn hữu hiệu cho các mục tiêu tăng trưởng của NH trong tương lai, đặc biệt với những NH đang có nhu cầu tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…
 
Còn các chuyên gia nhận định, ngành ngân hàng dù bị tác động bởi đại dịch COVID-19 nhưng nếu so với nhiều ngành hàng khác vẫn thấy có tín hiệu tích cực thu hút nhà đầu tư. Hiện một số NH đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng, hoạt động kinh doanh đang tốt lên. Do đó, thông tin NH lên sàn, chuyển sàn thời điểm này sẽ tạo nhiều sự lựa chọn hơn cho thị trường, tạo điểm sáng để thu hút nhà đầu tư rót vốn, nắm giữ cổ phiếu...
 
Nhiều ngân hàng đồng loạt chuyển sàn
 
Bên cạnh hàng loạt ngân hàng quyết định lên sàn sau thời gian trì hoãn, rất nhiều thành viên cũng quyết định chuyển cổ phiếu sang “nhà mới” trong năm nay. Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức mới đây, cổ đông ngân hàng ACB đã thông qua kế hoạch chuyển sang HOSE trong năm 2020. 
 
Cũng với việc chuyển sang HOSE, lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng cổ phiếu ACB sẽ được lọt vào chỉ số của HOSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VNDIAMOND (10%), VNFINSELECT (12%). VNFINLEAD (12%)… 
 
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc chuyển sàn sang HOSE sẽ giúp ngân hàng nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu của ngân hàng trong cộng đồng nhà đầu tư và khách hàng, đồng thời, tính thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng cũng tăng cao hơn.
 
Theo Công ty chứng khoán SSI, thực tế, việc chuyển sàn từ UPCoM và HNX sang HOSE giúp cổ phiếu của nhiều ngân hàng tăng trưởng vượt thị trường kể từ đầu năm. Tính minh bạch, cũng như độ tin cậy của thông tin doanh nghiệp công bố trên HOSE, nhìn chung được đánh giá cao hơn so với thông tin trên UpCom.

Do đó, các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE được các nhà đầu tư đón nhận tốt hơn so với sàn UpCom.

Theo thống kê, hiện toàn thị trường có 14 ngân hàng niêm yết chính thức gồm: VCB, CTG, BID, MBB, EIB, STB, TCB, HDB, TPB, VPB, LPB, ACB, SHB và NVB; 7 ngân hàng giao dịch trên UPCoM với mã giao dịch là VIB, VBB, BAB, KLB, BVB, SGB và NAB.

Trong số 31 ngân hàng thương mại cổ phần, 10 ngân hàng lớn đã niêm yết trên HOSE, trong khi 3 ngân hàng niêm yết trên HNX và 7 ngân hàng nhỏ trên UpCom.

Theo ước tính của SSI, nếu các ngân hàng này đều niêm yết trên HOSE, vốn hóa thị trường của ngành ngân hàng trên tổng vốn hóa thị trường sẽ tăng từ 27% lên 30%. Ngoài ra, hiện, một số quỹ không được phép đầu tư vào cổ phiếu UpCom. Do đó, việc chuyển sang HOSE sẽ khiến các cổ phiếu ngân hàng có thể được các quỹ ngoại lớn tiếp cận.

Việc các ngân hàng đồng loạt lên sàn và chuyển sàn vào mùa cuối năm sẽ thay đổi được bức tranh kinh doanh cuối năm dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai và suy thoái kinh tế. 
 
Quỳnh Trang