Xử lý dứt điểm các dự án BOT không có khả năng thu phí hoặc phải dừng thực hiện

17:12 | 13/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là quan điểm được lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh tại buổi làm việc về định hướng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ngày 12/8.


Xử lý dứt điểm các dự án BOT không có khả năng thu phí hoặc phải dừng thực hiện - ảnh 1
Buổi làm việc về định hướng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nguồn: MPI. 


Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đồng chủ trì buổi làm việc về định hướng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng, chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và đang chuẩn bị, tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực được phê duyệt.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn lần này có nhiều điểm khác, đổi mới, đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động làm việc trực tiếp với một số bộ để cùng nhau trao đổi, lắng nghe, chia sẻ, thống nhất, từ đó thấy được những kết quả đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc và đưa ra kế hoạch cụ thể để sau 5, 10 năm tới và hằng năm khi nhìn lại sẽ thấy được kết quả rõ nét trong từng ngành, lĩnh vực nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và đột phá hơn; để công tác đầu tư công ở các bộ, ngành ngày càng được thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản, đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu đầu tư rất lớn.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Giao thông vận tải trình bày định hướng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ, trong đó tập trung vào đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2020; kết quả thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; quan điểm xây dựng kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, nhu cầu vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025; khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng kế hoạch 2021-2025 và thực hiện nhiệm vụ của ngành Giao thông, Vận tải, từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất.

Quan điểm xây dựng kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025 là xác định rõ dự án tạo ra đột phá, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia; đầu tư có tầm nhìn trong mỗi kỳ trung hạn và phải chuẩn bị danh mục cho tầm nhìn dài hạn; chú trọng các dự án nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chương trình Chính phủ điện tử; phát huy năng lực vận tải của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có.

Báo cáo cũng đưa ra các khó khăn, vướng mắc như nhu cầu đầu tư lớn hơn nhiều so với khả năng cân đối nguồn lực; khi ưu tiên nguồn vốn để tập trung ưu tiên đầu tư các dự án động lực, đột phá không còn khả năng cân đối cho các dự án khác; phải xử lý dứt điểm các dự án BOT không có khả năng thu phí hoặc phải dừng thực hiện theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); cần sớm triển khai các tuyến vành đai 2 của 2 đô thị lớn là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền đầu tư các dự án đường sắt đô thị; tháo gỡ vướng mắc để có thể tiếp tục thi công, hoàn thành các dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành;…

Đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những ý kiến trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm đối với các vấn đề liên quan đến tình hình thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020, các mục tiêu theo Nghị quyết 13-NQ/TW; công tác huy động nguồn lực, lựa chọn nhà đầu tư và triển khai thực hiện các dự án nói chung và dự án PPP nói riêng; nhu cầu đầu tư trong giai đoạn tới; khả năng cân đối vốn; khởi công dự án mới…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với những kết quả đã đạt được, ngành giao thông vận tải cần tiếp tục khẳng định vai trò của mình, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Đồng thời đánh giá, phát triển hạ tầng giao thông chỉ mới tập trung chủ yếu vào đường bộ; việc kết nối các phương thức vận tải hiện chưa tốt, các hạ tầng đấu nối, liên vùng, kết nối các hạ tầng cảng, khu công nghiệp, khu kinh tế chưa được quan tâm; đường sắt, đường thủy, hàng hải chưa được khai thác nhiều; quy hoạch các ngành giao thông thiếu tính đồng bộ, không được tích hợp, tính kết nối kém; tắc nghẽn giao thông, đặc biệt là tại các trung tâm, đô thị lớn. Đặc biệt, việc xây dựng đường cao tốc chưa đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết 13-NQ/TW…

Mục tiêu của Nghị quyết 13-NQ/TW là tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, đáp ứng yêu cầu nước ta cơ bản đạt được quy mô và trình độ của nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trong đó, phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành khoảng 600 km và đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2 nghìn km đường cao tốc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến dự án BOT; huy động nguồn lực, thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án giao thông; phân khai cụ thể để thấy được khả năng huy động nguồn lực; tập trung vào các dự án trọng điểm; phải quyết tâm để hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam; hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án kết nối vùng, kết nối phương thức vận tải, kết nối hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển; đường sắt đô thị, đường vành đai; phát triển đường ven biển, mở ra không gian phát triển mới, kết nối các ngành lĩnh vực, đảm bảo quốc phòng an ninh… Hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước. Do vậy, việc huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, với cách làm có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ giúp Bộ Giao thông vận tải xây dựng được Kế hoạch đúng định hướng, tầm nhìn và đưa ra các thứ tự ưu tiên trong thời gian tới./.