Xử lý nghiêm vi phạm gây thất thu thuế trong kinh doanh bất động sản

Đông Bắc 17:03 | 27/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục thuế khẩn trương có giải pháp xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế. Các trường hợp cố tình vi phạm cần chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm.

Nửa năm qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần thúc giục ngành thuế có biện pháp cụ thể tránh thất thu thuế trong bối cảnh giao dịch bất động sản diễn ra tấp nập. Gần đây, Bộ Tài chính nhận được phản ánh có tình trạng cán bộ thuế ở một số nơi gây khó khăn, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp liên quan đến thu thuế chuyển nhượng bất động sản.

Vì thế, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu Tổng cục Thuế tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của công chức. Ông chỉ đạo Tổng cục thuế "khẩn trương tham mưu giải pháp xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế".

Hằng quý, Tổng cục thuế cần báo cáo kết quả chống thất thu thuế, kết quả thanh tra hồ sơ người nộp thuế khai bổ sung nhưng không thay đổi giá chuyển nhượng. Động thái siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản đang được Bộ Tài chính và ngành thuế ráo riết thực hiện thời gian gần đây.

Thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận tăng trong ba năm nay nhưng trên thực tế vẫn được cho là thất thu lớn. Theo số liệu từ ngành thuế, thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tăng từ mức 15.000 tỷ năm 2019 lên 16.800 tỷ đồng trong năm 2020 và đạt 21.700 tỷ đồng năm 2021. Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, khoản thu này là 8.280 tỷ đồng.

Các chính sách liên quan đến đất đai chưa đồng bộ nên việc áp thuế đất sát với giá thị trường đang gặp nhiều khó khăn.

Tổng cục Thuế cho biết số thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã liên tục tăng trong mấy năm qua. Năm 2020 tăng gần 1,8 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 12% so với năm 2019; năm 2021 tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 30% so với năm 2020. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022 tăng 3,2 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 63% so với 3 tháng đầu năm 2021.

Trong giai đoạn 1/1/2021 đến 15/1/2022, cơ quan thuế đã đấu tranh chống thất thu với 233.983 tổ chức, cá nhân có hồ sơ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) qua đó tăng thu hơn 500 tỷ đồng và chỉ tính riêng giai đoạn 1/1/2022 đến 31/3/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh với 60.289 hồ sơ, số thu tăng hơn 326 tỷ đồng.

Với kết quả này cho thấy, người nộp thuế đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chủ động khai tăng giá chuyển nhượng ngay từ ban đầu khi làm hợp đồng công chứng.

Cụ thể, tại TP Hà Nội năm 2021 tăng 550 tỷ đồng so với năm 2020, tỷ lệ tăng 24% trong khi lượng hồ sơ tăng 11,7%; tại TP Hồ Chí Minh năm 2021 tăng 20% với năm 2020, 3 tháng đầu năm 2022 tăng 57,11% so với cùng kỳ. Cá biệt qua đấu tranh tại một số địa phương, các tổ chức cá nhân đã kê khai giá chuyển nhượng BĐS tăng từ 2-5 lần so với giá kê khai ban đầu.

Tuy nhiên, do các chính sách liên quan đến đất đai chưa đồng bộ nên việc áp thuế đất sát với giá thị trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tại cuộc họp với Tổng cục Thuế mới đây, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Viên Viết Hùng cho rằng, khó nhất hiện nay là Luật Đất đai quy định Bảng giá đất ổn định 5 năm, trong khi thực tế giá thị trường BĐS lại biến động liên tục, vì vậy dẫn đến việc giá quy định không sát với giá của thị trường BĐS. Hiện nay cũng chưa có cơ quan nào xây dựng cơ sở dữ liệu về giá giao dịch trên thị trường BĐS.

Theo Phó cục trưởng Thuế Hà Nội, ông Viên Viết Hùng, khó nhất hiện nay là Luật Đất đai quy định Bảng giá đất ổn định 5 năm trong khi thực tế giá thị trường bất động sản lại biến động liên tục. Vì vậy, giá quy định không sát với giá của thị trường bất động sản. Hiện nay cũng chưa có cơ quan nào xây dựng cơ sở dữ liệu về giá giao dịch trên thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan theo cơ quan thuế cũng gặp không ít khó khăn. Một số ngân hàng thương mại lấy lý do bảo mật thông tin khách hàng, không phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin giao dịch của người nộp thuế.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn ngày 25/4 đã chỉ đạo cơ quan thuế địa phương tham mưu với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành để quyết định bảng giá đất có hệ số điều chỉnh giá đất riêng - làm căn cứ áp dụng tính thuế thu nhập chuyển nhượng bất động sản.

Trong thời gian tới, người đứng đầu cơ quan thuế yêu cầu các đơn vị tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đã giao dịch và kê khai thuế. Các cục thuế cần đẩy mạnh rà soát, đấu tranh với các tổ chức cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

"Cục thuế yêu cầu các đơn vị tự điều chỉnh giá kê khai tính thuế sát với giá thị trường chi tiết đến từng con đường, tuyến phố trong dự án", ông Tuấn chỉ đạo. Với các trường hợp cố tình vi phạm cần chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm, đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản, ông Tuấn cho hay.

Trường hợp cố tình vi phạm gây thất thu thuế có thể bị xử lý hình sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SB Law chia sẻ với Tạp chí Doanh Nhân Việt Nam về tình trạng người dân đi giao dịch bất động sản luôn làm hai, ba hợp đồng để trốn thuế. Luật sư Hà cho biết: Khi chuyển nhượng nhà đất, người bán phải nộp thuế thu nhập cá nhân được tính bằng 2% giá trị ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều người vì muốn giảm bớt thuế phí trên nên đã cố tình khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn mà không biết rằng hành vi này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có thể bị truy tố và xử lý hình sự.

Thông thường, bên chuyển nhượng/bán nhà đất sẽ là người có nghĩa vụ nộp thuế TNCN. Tuy nhiên, pháp luật cũng không cấm việc các bên thỏa thuận với nhau và thống nhất việc bên nhận chuyển nhượng/mua nhà đất sẽ chịu trách nhiệm nộp thuế.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SB Law

Giao dịch mua bán nhà đất là hợp đồng mua bán dân sự, phần lớn được thực hiện bằng tiền mặt trao tay cho nên nên các cơ quan chức năng khó có thể xác định rõ sự chênh lệch giữa giá mua bán thực tế với giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng (nếu có). Điều đó tạo ra kẽ hở khiến một số người cố tình khai thấp giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng để giảm bớt tiền thuế phí phải nộp theo nghĩa vụ tài chính.

Cụ thể, bên bán thường sẽ đề nghị bên mua chỉ kê khai một mức giá tượng trưng trong hợp đồng chuyển nhượng để làm cơ sở tính thuế. Trong khi số tiền thanh toán thực tế mà bên mua trả cho bên bán lớn hơn gấp nhiều lần. Thỏa thuận này chủ yếu dựa trên lòng tin giữa các bên, nếu có cũng chỉ là soạn thảo thành hợp đồng không công chứng, luật sư Hà nhận định.

Về những rủi ro gặp phải khi thực hiện các hợp đồng mua bán nhà, đất giá thấp với nhau, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết:

Thứ nhất, bị truy thu, xử phạt hành chính, nặng hơn là xử lý hình sự. Luật Quản lý thuế quy định rõ việc người nộp thuế có nghĩa vụ khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế…

Điều đó có nghĩa, khi người bán và người mua cố tình kê khai giá "ảo" trong hợp đồng chuyển nhượng để né thuế thì hành vi đó là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm mà khi bị cơ quan chức năng phát hiện có thể sẽ tiến hành truy thu, xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự về tội trốn thuế

Thứ hai, hợp đồng bị vô hiệu Theo Điều 124 Bộ luật dân sự 2015 về Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo.

Thứ ba, công chứng viên bị liên đới trách nhiệm. Trong giao dịch chuyển nhượng nhà đất, hợp đồng chỉ đảm bảo tính pháp lý khi được công chứng thay vì giấy tay. Khi đó, nếu công chứng viên biết khách hàng kê khai không đúng giá trị mua bán mà vẫn công chứng hợp đồng mua bán là sai, phải liên đới chịu trách nhiệm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.