Xuất khẩu cải thiện trong quý IV sẽ là ‘điểm sáng’ trong nền kinh tế 2023

Trang Mai 07:00 | 09/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng HSBC, xuất khẩu Việt Nam bắt đầu có sự cải thiện kể từ quý IV và đây sẽ điểm sáng của kinh tế năm nay.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tăng trưởng xuất khẩu tháng 11 đạt mức 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy dệt may và giày dép còn trì trệ, nhưng các nhóm mặt hàng khác như linh kiện liên quan đến máy tính (tăng 20,2%) và máy móc (tăng 5%) cho thấy những dấu hiệu ổn định và đáng khích lệ, mặc dù một phần là do hiệu ứng cơ sở thuận lợi.

 

Bên cạnh đó, các mảng mới có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu, chẳng hạn như nông sản, cũng tiếp tục cho thấy dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ hỗ trợ một mức cải thiện dù còn khiêm tốn, hướng tới cuối năm.

Những mặt hàng nông sản tăng mạnh về cả lượng và giá như: Gạo đạt 462 triệu USD, cao su đạt 343 triệu USD, cà phê đạt 252 triệu USD, sắn và sản phẩm của sắn đạt 151 triệu USD,...

Mặc dù vậy, nhóm phân tích cho rằng vẫn cần thận trọng về triển vọng thương mại vì nhu cầu hàng hóa ở các đối tác thương mại lớn vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế, chỉ số sản xuất PMI đã tiếp tục giảm xuống còn 47,3 trong tháng 11, trong đó cả sản lượng lẫn đơn hàng mới đều thu hẹp.

Đánh giá về triển vọng kinh tế thị trường năm 2024 tại hội thảo Triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2024 do FiinGroup tổ chức ngày 22/11 vừa qua, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhận định tăng trưởng GDP bình thường trở lại từ 2024 nhưng nhiều thách thức lớn vẫn hiện hữu.

Phân tích về những động lực tăng trưởng chính của năm 2024, ông Thuân cho biết, động lực đầu tiên là xuất khẩu có tín hiệu khởi sắc trở lại, kỳ vọng từ các thị trường chủ đạo: Mỹ, Châu Âu, và Trung Quốc. Trong đó, mặt hàng điện tử/ công nghệ dẫn dắt hoạt động xuất khẩu.

Cho năm 2024, FiinGroup dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi mạnh do tổng cầu của các thị trường xuất khẩu chủ đạo dự kiến cải thiện do các nền kinh tế đã gần như hết chu kỳ tăng lãi suất mặc dù vẫn sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao như hiện nay một thời gian. Hơn 60% xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc (bao gồm Đài Loan và Hồng Kông) và Châu Âu. 

 

Cùng đó, sự phục hồi của nhóm doanh nghiệp nội địa bắt đầu từ tháng 10 sau giai đoạn cầm chừng. Thực tế xuất khẩu bởi doanh nghiệp nội địa đã tăng 15% trong khi FDI (với mặt hàng công nghệ chiếm phần lớn) chỉ tăng 3%. 

Dù vậy, xuất khẩu sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành. Trong đó, xu hướng tiêu dùng thay đổi có thể ảnh hưởng đến dệt may và da giày. Thủy sản có thể tiếp tục gặp khó nhưng các ngành có thể tăng mạnh sẽ là: Nông sản, công nghệ và hóa chất.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, các kết quả cuối năm 2023 hiện nay cơ bản rất tích cực, mặc dù không đạt những mục tiêu cao như kỳ vọng hay đặt ra ban đầu, nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực như hiện nay thì kết quả như vậy là rất tích cực, tạo đà tốt cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Đặc biệt, qua rà soát, đánh giá, Bộ KH&ĐT nhận thấy ba động lực tăng trưởng kinh tế chính là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024. Cụ thể, xuất khẩu đang có đà phục hồi tháng sau tốt hơn tháng trước, dần dần lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu. Đối với tiêu dùng, hiện nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã trên 9%, tiệm cận mức 2 con số.

Ngoài ra, các hoạt động trong nước tiếp tục là trụ cột vững chắc trong tháng 11. Việc nới lỏng chính sách thị thực từ tháng 8 đã thúc đẩy phục hồi ổn định số lượng du khách quốc tế, trong đó, riêng tháng 11 Việt Nam đã đón hơn một triệu du khách. Đây cũng là tháng thứ năm liên tiếp du lịch Việt Nam đạt cột mốc này.

Trong đó, riêng tháng 11 Việt Nam đã đón hơn 1 triệu du khách, tháng thứ 5 liên tiếp đạt cột mốc này. Với tổng số 11,2 triệu lượt khách tính từ đầu năm, mục tiêu 12-13 triệu khách cho năm 2023 có thể đạt được.

Tuy nhiên, sự phục hồi trong nhóm du khách Trung Quốc chưa có sự thay đổi lớn, chỉ phục hồi ở mức 30% của năm 2019. Ngoài ra, sự cạnh tranh trong du lịch ở nội khối ASEAN đang trở nên căng thẳng. Sau khi Thái Lan miễn thị thực cho du khách Trung Quốc và Ấn Độ, Malaysia là nước tiếp theo áp dụng chính sách này.