Xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam sang EU tăng mạnh
Nghêu Việt được ưa chuộng tại thị trường EU
Ba tháng đầu năm, các thị trường nhập khẩu nghêu của Việt Nam lớn nhất trong khối Liên minh châu Âu - EU gồm Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ đều tăng mạnh 33-45%, chỉ Bồ Đào Nha giảm 9%.
Thị trường EU ưa chuộng các sản phẩm nghêu thịt, nghêu trắng hoặc nghêu hấp nguyên con, nghêu hấp bơ tỏi, sốt gia vị tomyum...
Quý I/2022, có 13 địa phương trên cả nước có nghêu xuất khẩu, trong đó, dẫn đầu là tỉnh Thanh Hóa chiếm trên 24% kim ngạch xuất khẩu, tiếp đến là Bến Tre, Nam Định.
Hiện nghêu Việt Nam có ưu thế lớn về uy tín, chất lượng, đặc biệt nghêu ở Bến Tre đã được cấp chứng nhận quốc tế MSC (chứng chỉ về khai thác thủy sản bền vững và có trách nhiệm). Nghêu Việt Nam được đánh giá cao về hương vị, dinh dưỡng, có ruột trắng, thịt dày và là sản phẩm được yêu thích tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nghêu của Việt Nam đã kiểm soát được vùng nuôi, nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất. Để đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa, doanh nghiệp cần đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại làm sạch ngao và chế biến ngao tươi sống, đông lạnh và đồ hộp, đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện lạm phát khiến giá cả thực phẩm tại EU tăng mạnh, giúp mặt hàng nghêu Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng và các nhà nhập khẩu tại khu vực này. Theo VASEP, ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA cũng giúp xuất khẩu nghêu Việt Nam sang thị trường EU trong năm nay khả quan, dự kiến tăng trưởng tốt.
Giá cá tra xuất khẩu tăng cao ở nhiều thị trường
Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 160 triệu USD, tăng 123%. Giá cá nguyên liệu tăng mạnh kéo giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình cũng tăng lên mức từ 3,2 - 3,4 USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Mỹ cao nhất và tăng mạnh lên tới hơn 4,5 USD/kg. Đây là mức giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019.
Giá phile cá đông lạnh xuất khẩu đi EU cũng khả quan, dao động từ 2,9 - 3,45 USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu đi thị trường Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha cũng tăng và ổn định so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay cả nước có gần 120 cơ sở chế biến xuất khẩu cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,8 triệu tấn nguyên liệu/năm, hầu hết các cơ sở nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các cơ sở được trang bị máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Thiết bị, công nghệ sản xuất phụ phẩm dầu cá và bột cá tra tương đối hiện đại và đồng bộ.