Giá cá tra trên đà phục hồi, thêm tín hiệu sáng cho ngành thủy sản
Theo số liệu công bố sáng 29/5 của Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 5 ước đạt 801,3 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nuôi trồng ước đạt 434,8 nghìn tấn, tăng 3,5% và khai thác ước đạt 366,5 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết ngư trường thuận lợi.
Trong các mặt hàng thuỷ hải sản, sản lượng cá tra trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức cao ổn định và xuất khẩu cá tra đang có dấu hiệu phục hồi nên hộ nuôi cá và doanh nghiệp điều chỉnh sản lượng nuôi phù hợp để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Theo số liệu từ agromonitor, giá cá tra nguyên liệu trung tuần tháng 5 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 27.500-28.000 đồng/kg. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 155 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam nhiều nhất hiện nay, sau đó là thị trường Trung Quốc, châu Âu và một số thị trường Nam Mỹ khác.
Ngoài các mặt hàng chủ lực là cá tra phile đông lạnh, các doanh nghiệp có khuynh hướng tăng cường giới thiệu các sản phẩm cá tra chế biến sâu, hàng giá trị gia tăng và thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nhập khẩu. Mỹ hiện đang tăng cường nhập khẩu cá tra chế biến, giá trị gia tăng gấp 8,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu fillet cá tra đông lạnh sang Mỹ đạt hơn 120 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 98% tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
Vasep đánh giá, người tiêu dùng tại Mỹ đang tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá thịt trắng, đặc biệt là cá tra từ Việt Nam khiến kim ngạch tăng sau khi liên tục sụt giảm trong năm 2023.
Vừa qua, đông đảo doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia và giới thiệu các sản phẩm cá tra Việt nam tại Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ. Với lợi thế của loài cá thịt trắng thơm ngon, phù hợp chế biến đa dạng món ăn từ fillet đóng gói, sản phẩm đông lạnh đến sản phẩm chế biến sẵn đã hấp dẫn được các nhà nhập khẩu đến từ thị trường này.
Thêm vào đó, việc các nguồn cung cá thịt trắng cho Mỹ đang giảm trong bối cảnh khan hiếm các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá rô phi cũng là tín hiệu khả quan cho mặt hàng này của VIệt Nam sang thị trường Mỹ.
Với mặt hàng tôm, sản lượng trong tháng 5 đã tăng so với cùng kỳ năm trước do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 68 nghìn tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 23 nghìn tấn, tăng 3,1%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 3.515 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, các thị trường vẫn đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tồn kho nên nhập khẩu thủy sản vẫn có tính thận trọng. Điển hình thị trường Trung Quốc liên tục sụt giảm từ tháng 2, sau khi tăng mạnh vào tháng 1 để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Thị trường Trung Quốc có nhiều nguồn cung cấp, giá cạnh tranh nên các đối tác Trung Quốc nhiều lựa chọn và tìm cách mua vào với giá thấp.
"Kỳ vọng vấn đề tồn kho và dư cung sẽ giảm dần và có chiều hướng thuận lợi hơn cho các nhà nhập khẩu thủy sản trong nửa cuối năm, khi đó xuất khẩu có thể hồi phục trở lại nếu nút thắt về nguyên liệu hải sản và cả tôm, cá tra được cởi mở”, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Vasep nhận định.
Thông tin Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đã mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản. Dự kiến vào tháng 7/2024, DOC sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra trong thời gian tới.