Diễn biến trái chiều tại 2 thị trường chính và cơ hội cho 2 doanh nghiệp cá tra đầu ngành

Trang Mai 16:26 | 30/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trải qua năm 2023 đầy khó khăn, nửa đầu năm nay, xuất khẩu cá tra đạt 918 triệu USD, tăng 5% so với 6 tháng đầu năm 2023. Cùng với những dấu hiệu thuận lợi và khó khăn đan xen tại các thị trường chính, dự kiến toàn ngành sẽ thu về 1,8 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023.

Xu hướng đối lập tại 2 thị trường chính

Là loài cá thịt trắng nuôi đặc sắc của Việt Nam, cá tra ngày càng được người tiêu dùng trên thị trường thế giới yêu thích vì sự tiện lợi, cấu trúc và hương vị trung tính, dễ chế biến và giá cả phù hợp với mọi phân khúc tiêu thụ. Tới năm 2022 cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản.

Cá tra cũng là một trong những mặt hàng thuỷ sản chính, mang về nguồn ngoại tệ lớn mỗi năm. Với kim ngạch xuất khẩu từ 1,5 – 2,4 tỷ USD/năm, riêng con cá tra đã chiếm 16-26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. 

6 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu cá tra đạt khoảng 423 nghìn tấn (tăng 16% so với cùng kỳ), trị giá xuất khẩu đạt 912 triệu USD (tăng 4%). Tăng trưởng chủ yếu đến từ thị trường Mỹ với sản lượng và doanh thu xuất khẩu tăng trưởng lần lượt là 41% và 16%.

 

Trong tháng 6/2024, giá xuất khẩu cá tra bình quân đạt 2,14 USD/kg, tăng nhẹ 1,4% so với đầu năm. Nguyên nhân là do nhu cầu nhập khẩu ở thị trường Trung Quốc giảm khiến giá cũng giảm khoảng 5%, trong khi nhu cầu nhập khẩu ở Mỹ được cải thiện đẩy giá cá nhập khẩu sang Mỹ tăng 10,8% so với tháng 1.

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), các thị trường và nhóm thị trường chủ lực nhập khẩu cá tra Việt Nam gồm: Trung Quốc và Hongkong, Mỹ, CPTPP, EU, ASEAN, Trung Đông, Mexico, Brazil, Anh và Nga.

Trong phân tích ngành thuỷ sản công bố mới đây của Chứng khoán VCBS, đang có xu hướng đối lập giữa 2 thị trường chính của cá tra là Mỹ và Trung Quốc. 

Tại Mỹ, những tín hiệu tích cực đang được thể hiện rõ rệt.

Cụ thể, tháng 6 vừa qua, FED công bố giữa mức lãi suất mục tiêu trong khoảng từ 5,25-5,5%. Các thành viên ủy ban cũng dự báo FED sẽ có 1 lần cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024 và 4 lần vào năm 2025, với mức cắt giảm khoảng 0,25%. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gia tăng sản xuất và nhập khẩu hàng hóa.

Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ cũng đang có những diễn biến tích cực, cho thấy tiêu dùng ở quốc gia này đang được cải thiện. Cụ thể, tại thời điểm tháng 5, chỉ số PCE của Mỹ tăng 2,6% so với cùng kỳ, mức tăng này đem đến tín hiệu tích cực khi trong năm 2023 chỉ số tiêu dùng của Mỹ liên tục giảm từ 0,3-4,2%.

  Nguồn: VASEP, NOAA, Agromonitor, USDA, VCBS

Tỷ lệ hàng tồn kho/ doanh thu cho mặt hàng thực phẩm của Mỹ đã chuyển sang xu hướng giảm, tính đến thời điểm tháng 5 tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số bán hàng của ngành thực phẩm tiếp tục giảm 2,6%. Điều này cho thấy Mỹ sẽ phải nhập khẩu nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu thực phẩm của người dân. 

Cùng đó, cá tra đang ngày càng được nâng cao vị thế cạnh tranh, khi lệnh cấm nhập khẩu cá minh thái từ Nga vào Mỹ ngày càng thắt chặt hơn, Tổng thống Mỹ ban hành thêm hướng dẫn bổ sung một số mã phân loại thuế vào lệnh cấm ban đầu nhằm thắt chặt mọi lỗ hổng, ngoài ra lệnh trừng phạt lên các mặt hàng thủy sản của Nga trở nên nghiêm ngặt hơn tại EU sau hội nghị thượng đỉnh G7. Nhiều nhà sản xuất cá rô phi ở Nga đã phải chuyển hướng sang thị trường nội địa, thị trường Châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản.

Mỹ vẫn còn nhu cầu nhập thêm cá da trơn do lượng tồn kho giảm. Đầu năm 2024, lượng hàng tồn kho cá da trơn của 3 bang lớn ở mức 192.200 nghìn pounds (giảm 3% so với cùng kỳ), sang tháng 6 lượng hàng tồn kho ở 3 bang này tiếp tục giảm về 155.100 pounds (giảm 19% so với đầu năm).

 

 Nguồn: VASEP, NOAA, Agromonitor, USDA, VCBS

Đồng thời, giá cá rô phi Trung Quốc tăng cao đã khiến giảm lợi thế cạnh tranh ở thị trường Mỹ. Trong quý I, nguồn cung cá rô phi ở Trung Quốc  trở nên khan hiếm sau khi nông dân tạm ngừng hoạt động vì giá thấp. Thị trường Mỹ cũng giảm nhập khẩu cả về lượng và trị giá cho mặt hàng này trong quý đầu năm 2024. Sang quý II mặc dù lượng tồn kho có cải thiện nhưng nhưng ngành không kỳ vọng sẽ có vụ thu hoạch lớn, cộng thêm chi phí nguyên liệu và vận chuyển tăng cao, khiến giá cá rô phi có thể sẽ duy trì ở ngưỡng cao (trên 3 USD/pound) khi xuất sang thị trường phương Tây.

Ngược lại, nhu cầu nhập khẩu cá tra của Trung Quốc đang không ở mức cao. 

VCBS thống kê, trong 6 tháng đầu năm chỉ có tháng 1 và tháng 5 giá cá tra nguyên liệu tăng nhẹ từ 200-300đ/kg do lo ngại sự thiếu hụt nguồn cung sau Tết và nhịp độ thu mua được cải thiện hơn khi khách hàng Trung Quốc hỏi mua mạnh hơn. Còn lại các tháng giá đều có xu hướng giảm do số lượng các đơn hàng thấp, khách hàng Trung Quốc ít hỏi mua hơn. 

Còn theo Vasep, 6 tháng đầu năm nay, giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc giảm từ 7% - 18% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù giá giảm, nhưng khối lượng xuất khẩu vẫn tăng trưởng ổn định 34%, chủ yếu do sự tăng trưởng trong quý II. 

Nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại khiến người tiêu dùng thận trọng và e dè hơn trong chi tiêu, do đó các nhà nhập khẩu của quốc gia này buộc phải tập trung vào các mặt hàng giá rẻ hơn. Với giá cả rẻ hơn so với một số loài cá nội địa như cá chép, cá rô phi, cá quả, cá tra được ưa thích và có chỗ đứng vững chắc hơn tại quốc gia này.

Cơ hội cho “nữ hoàng cá tra” và “vua cá tra”

Tại CTCP Nam Việt (Mã: ANV) (còn được gọi là “vua cá tra"), thị trường Trung Quốc thường chiếm trên 30% thị phần xuất khẩu, do đó những thuận lợi tại thị trường Mỹ chưa thể bù đắp cho khó khăn tại thị trường Trung Quốc. 

 Nguồn: ANV, VCBS

Tính đến thời điểm quý II, tổng doanh thu thuần của ANV đạt 2.209 tỷ đồng (giảm 0,9% so với cùng kỳ), trong đó doanh thu mảng cá tra đạt 2.159 tỷ (giảm 1%), mảng điện mặt trời đạt 58 tỷ (tăng 2%). Biên lợi nhuận gộp của mảng cá tra đạt 9% (giảm 1%) do doanh thu xuất khẩu sang thị trường chủ đạo – Trung Quốc giảm mạnh 28%. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp mảng điện mặt trời tăng 3% so với cùng kỳ lên mức 93%.

Trong ngắn hạn, VCBS nhận định những thuận lợi ở thị trường Mỹ có thể chưa thể bù đắp cho khó khăn tại thị trường Trung Quốc. Doanh thu xuất khẩu sang thị trường chủ đạo - Trung Quốc có thể tăng trưởng thấp hoặc ít hơn cùng kỳ năm trước. Do tiêu dùng ở quốc gia này đang có dấu hiệu giảm, trong khi trước thời kỳ Covid-19 doanh thu bán lẻ ở quốc gia này đều tăng trưởng từ 10-30%.

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng. Sau 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ của ANV đạt khoảng 6,2 triệu USD (khoảng 155 tỷ đồng), tăng 22% so với cùng kỳ 2023. 

Chuyên gia kỳ vọng doanh thu từ thị trường Mỹ tăng trưởng đáng kể hơn ở nửa cuối nằm nhờ ANV tiếp tục được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0% (theo POR19). Nhu cầu thị trường Mỹ có thể sẽ bắt đầu tăng mạnh từ quý III để phục vụ nhu cầu lớn cho mùa lễ hội cuối năm. Đồng thời, cá tra đang dần thay thế cá thịt trắng cho có giá cả cạnh tranh hơn.

Tháng 6, ANV cũng vừa ra quyết định thành lập 2 nhà máy đông lạnh thủy sản và dầu cá bột cá, nhằm nâng cao năng suất chế biến thủy sản trong thời gian tới. Dự phóng mảng cá tra của ANV có thể đạt mức doanh thu và lợi nhuận thuần lần lượt là 2.332 tỷ và 326 tỷ trong năm 2024, giảm 46% doanh thu do xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ kém khả quan, lợi nhuận thuần giảm nhẹ hơn với 14% nhờ chi phí đầu vào giảm mạnh trong năm.

Còn tại “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), trong 6 tháng, doanh thu thuần đạt khoảng 6.062 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu các mảng đều tăng trưởng tích cực, mảng cá tra fillet với tỷ trọng đóng góp lớn nhất tăng 10%, đáng chú ý có mảng sản phẩm từ gạo tăng 75%.

Tỷ trọng doanh thu xuất sang thị trường Mỹ tăng 3%, chiếm 29% tổng doanh thu, doanh thu tại thị trường Trung Quốc giảm nhẹ 1%, ngoài ra tỷ trọng doanh thu ở thị trường nội địa giảm nhẹ 1%. VHC đang tận dụng những thuận lợi để tập trung xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

 Nguồn: VHC, VCBS

Trong thời gian tới, thị trường Mỹ dự kiến ghi nhận sự hồi phục tích cực trong nửa cuối năm nhờ kế hoạch hạ lãi suất của Fed trong tháng 9 trước tình hình lạm phát có dấu hiệu được kiểm soát, chỉ số tiêu dùng PCE cho thấy hoạt động tiêu dùng tại Mỹ đang được cải thiện. Tiếp đó,  sản phẩm thay thế là cá rô phi và cá minh thái đang trở nên giảm tính cạnh tranh tại Mỹ, và hàng tồn kho cá da trơn tại Mỹ đang ghi nhận mức giảm đáng kể, kích thích hoạt động nhập khẩu trở lại.

Trong năm 2023, doanh nghiệp đã giải ngân tổng 677 tỷ đồng cho các dự án để tăng quy mô sản xuất, dự kiến trong năm nay, VHC sẽ giải ngân thêm 930 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án nâng công suất sản xuất C&G thêm 50% có thể gia tăng hiệu quả cả về doanh thu và lợi nhuận nhờ là mặt hàng có biên lợi nhuận cao.