Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất trong 5 tháng đầu năm 2024
Vasep dẫn thông tin từ Tổng cục Hải quan, tháng 5, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 167 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 747 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ.
5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 lần lượt là "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn, công ty TNHH Chế biến thực phẩm Xuất nhập khẩu Vạn Đức Tiền Giang, "vua cá tra" Nam Việt, công ty TNHH Thủy sản Biển Đông và CTCP Đầu tư và Phát triển IDI.
Thông tin từ Vĩnh Hoàn, tháng 5, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt 1.131 tỷ đồng, trong đó sản phẩm cá tra đạt 598 tỷ đồng, chiếm 52% tổng doanh thu.
Lũy kế 5 tháng, tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 5.033 tỷ đồng, trong đó sản phẩm cá tra đạt 2.696 tỷ đồng, chiếm 53% tỷ trọng. Thị trường Mỹ vẫn là đối tác lớn nhất của “nữ hoàng cá tra” với 1.506 tỷ đồng, châu Âu đạt 927 tỷ đồng và thị trường Trung Quốc đạt 496 tỷ đồng.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc đại lục & Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Lũy kế xuất khẩu sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm nay đạt gần 203 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng tháng 5, kim ngạch sang Trung Quốc đạt gần 48 triệu USD, tăng 1%; Hồng Kông (Trung Quốc) đạt hơn 2,3 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 5 ghi nhận là tháng mà giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) cao thứ 2 kể từ đầu năm nay với giá trị gần 50 triệu USD, tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ, tăng 21% so với tháng trước đó.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ chứng kiến tăng trưởng âm trong tháng 5, đạt 30 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch cá tra sang Mỹ đạt hơn 132 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Khối thị trường CPTPP tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tháng 5 với giá trị đạt gần 13 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, một vài thị trường ghi nhận tăng nhập khẩu cá tra bao gồm Mexico, Nhật Bản, Canada, Singapore,.. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu cá tra sang CPTPP đạt 103 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ.
Giống với thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang khối thị trường EU chứng kiến sụt giảm 16% trong tháng 5 với giá trị 14 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, sang thị trường này đạt 70 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù kim ngạch sụt giảm, tuy nhiên nhiều thị trường trong khối EU ghi nhận tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 5, trong khi tháng 5/2023 gần như không nhập, bao gồm: Bulgaria (59 nghìn USD), Hungary (40 nghìn USD), Cộng hòa Séc (53 nghìn USD).
Việc Mỹ và EU tiếp tục siết chặt nhập khẩu thuỷ hải sản từ Nga tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu cá tra tại Trung Quốc kỳ vọng sẽ được cải thiện khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của nước này “thẩm thấu”.
Giá cá tra xuất khẩu dự báo tăng khoảng 10% kể từ quý III
Mặc dù quý I năm nay, xuất khẩu cá tra có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên nhu cầu tại các thị trường chính chưa phục hồi mạnh. Dự báo tình hình sẽ tốt lên từ quý III và quý IV, kéo theo xu hướng giá sẽ được điều chỉnh tăng ít nhất khoảng 10% so với giá hiện tại.
Trong bối cảnh các chi phí như nhân công, xăng dầu, logistics chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, có được mức giá bán phù hợp để đáp ứng nhu cầu từng thị trường là điều cần thiết để ngành cá vượt qua giai đoạn khó khăn và tăng dần giá bán trong thời gian tới của năm 2024. Doanh nghiệp nên cân nhắc giá xuất khẩu hợp lý và điều chỉnh tăng dần từ 5-10% từ nay cho đến quý III và quý IV.
Áp lực tồn kho của doanh nghiệp đã giảm dần sẽ là cơ hội để tăng sản xuất và thực hiện những đơn hàng mới với mức giá tốt hơn.
Do tình hình xuất khẩu khó khăn từ năm 2023 nên cả người nuôi và doanh nghiệp nuôi cá đều điều chỉnh sản lượng nuôi giảm; thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến nuôi cá do đó khả năng cao nguyên liệu cá tra từ đây đến cuối năm không dồi dào.
Vasep đánh giá, doanh nghiệp cũng nên điều chỉnh sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường đảm bảo cung cầu hợp lý cho các mùa vụ tới, đồng thời thông tin đến khách hàng xu hướng nguyên liệu có thể thiếu vào giai đoạn cuối năm để định giá bán tăng dần đồng thời lưu ý những hợp đồng dài hạn.