Cá tra Việt Nam đã chiếm gần 50% thị phần tại UAE

Trang Mai 17:29 | 16/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) là một trong những khách hàng tiêu thụ nhiều cá tra Việt Nam. Việt Nam đồng thời là nguồn cung cá tra lớn nhất tại thị trường này với 40 - 50% thị phần.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 5, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang UAE đạt hơn 2 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 11 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiếm 90% tỷ trọng các mặt hàng là cá tra là sản phẩm phile cá tra đông lạnh. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu sản phẩm này sang UAE đạt khoảng 6.000 tấn, trị giá khoảng 14 triệu USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 61% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sau đó là sản phẩm cá tra cắt khúc đông lạnh, đóng gói với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,3 triệu USD, tăng 84% so với cùng kỳ, chiếm 9% tỷ trọng.

 

Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), UAE có hàng loạt những yếu tố phù hợp để trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như: Đứng hàng đầu về kinh tế trong các nước Ả rập và đứng thứ 17 trong 61 nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trên thế giới; mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người cao hơn mức trung bình của thế giới; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 1%, do đó đến 90% lượng thủy sản tiêu thụ của quốc gia này đến từ việc nhập khẩu. Bên cạnh đó, giới trẻ yêu thích các loại protein đến từ thủy hải sản trong bối cảnh nền kinh tế của UAE tiếp tục mở rộng,...

Cuối năm 2023, Việt Nam và UAE cơ bản đã hoàn thành phần lớn nội dung đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA), dự kiến có thể ký trong năm 2024.

Hiệp định CEPA không chỉ giúp xuất khẩu trực tiếp hàng hóa sang UAE, mà còn là bước đà giúp hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Đông thông qua “cửa ngõ UAE” - thị trường trọng điểm ở Trung Đông, là đầu mối cho các nước như châu Phi, châu Mỹ La Tinh và châu Âu, châu Á nói chung, nhờ có cơ sở hạ tầng cảng biển tốt, cùng hàng không phát triển, dễ dàng kết nối được với các thị trường.

Tuy nhiên, UAE cũng là 1 trong những thị trường cạnh tranh khốc liệt cả về giá và chất lượng. Đây cũng chính là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam. "Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với một số quốc gia mà họ đã ký FTA với UAE như Ấn Độ, Indonesia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ… do doanh nghiệp của các nước này đã được hưởng ưu đãi khi xuất hàng vào UAE, nên có lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam", Vasep nhấn mạnh. 

Vì vậy, để có thể thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào UAE, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thay đổi phương thức quản lý, giảm thiểu các chi phí trung gian, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2018-2022, tổng trao đổi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và UAE bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm.Hiện UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Năm 2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 4,3% và nhập khẩu đạt trên 676 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ. 

Về cơ cấu hàng hóa, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, hàng dệt may, sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nhựa, đồ gỗ nội thất…