Xuất khẩu tôm 8 tháng thu về 2,2 tỷ USD, thị trường Mỹ và Trung Quốc tiếp đà tăng

Trang Mai 16:53 | 19/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu thuỷ sản, ngành tôm đang từng bước vượt qua khó khăn trong giai đoạn nửa đầu năm. Với những tín hiệu khả quan từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam được kỳ vọng sẽ dần "sáng" dần về cuối năm.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep), xu hướng xuất khẩu tôm sang các thị trường trong tháng 8 vẫn tương tự xu hướng của tháng 7. Theo đó, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 8 đạt 337 triệu USD, tuy vẫn giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã tăng nhẹ so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 2,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ.

Nhận định về ngành tôm những tháng đầu năm, TS Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Sao Ta chia sẻ: "Kết quả tiêu thụ tháng 8 đã cho thấy tỷ lệ sụt giảm so với cùng kỳ thu hẹp dần qua các tháng. Với tình hình này, có nhiều dự đoán, thành quả năm nay xoay quanh con số 85-90% so với năm ngoái, đáng chú ý đến hết tháng 8 con số này chỉ đạt khoảng 75%. Theo tôi, nhận định này là phù hợp, khó lòng tốt hơn. Bởi theo chu kỳ, lúc này bước vào cao điểm giao hàng, nhưng đơn hàng tuy có tăng nhưng không tăng mạnh và nhất là giá cả chưa cải thiện. Nguyên nhân, tuy đã vào lúc thấp điểm cung ứng tôm nguyên liệu nhưng kho hàng các nước, nhất là Ecuador vẫn còn tốt.

Mặt khác, tình hình lạm phát chưa có dấu hiệu trở lại bình thường, thậm chí đồng yên đang ở mức thấp kỷ lục (148 yên/USD) trong khi Nhật Bản là thị trường trọng điểm lúc này. Đó cũng là lý do vì sao lúc này tôm nuôi của chúng ta giảm lượng mạnh, nhưng không có tình trạng thiếu nguyên liệu ở các doanh nghiệp chế biến, bởi nhu cầu không cao và còn nguyên liệu dự trữ trong kho."

Về cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 74%, thu về 1,6 tỷ USD, giảm 29%. Tôm sú đứng thứ 2 với 14%, đạt 315 triệu USD, giảm 25%. Các loại tôm khác thu về 257 triệu USD, giảm 25%.

Xét riêng trong tháng 8, hai thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng dương. Trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 76 triệu USD, tăng 11% so với tháng 8/2022. Tuy nhiên, so với mức nền cao của năm ngoái, tổng kim ngạch 8 tháng vẫn giảm 27%, đạt 451 triệu USD. 

 

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Mỹ nhập khẩu 69.501 tấn tôm trong tháng 7, tăng 3% so với tháng 7/2022. Lần đầu tiên sau 13 tháng, khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trị vẫn giảm 8% so với tháng 7/2022. 

Không riêng Việt Nam, Ấn Độ, nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ (chiếm thị phần 38%) xuất sang Mỹ 26.641 tấn tôm trong tháng 7, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị vẫn giảm 3% so với cùng kỳ.

Tôm Ecuador xuất sang Mỹ (chiếm 27% thị phần) cũng giảm 6% về khối lượng và giảm 13% về giá trị so với tháng 7 năm ngoái.

Đơn đặt hàng từ các hãng bán lẻ, nhu cầu nhập hàng phục vụ dịp “Lễ hội ăn chay” (Lent) của năm tới đều có xu hướng tăng. Dự báo, tháng 11 và 12 năm nay, nhu cầu sử dụng mặt hàng tôm của Mỹ cũng sẽ khả quan hơn.

"Một điểm cũng đáng chú ý là trong văn bản ký kết quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ vừa ký hôm 10/9, có ghi phía Mỹ sẽ sớm xem xét quy chế kinh tế thị trường cho nước ta. Nếu điều đó được thực hiện sớm, việc xem xét kết thúc vụ kiện chống bán phá giá con tôm và cá tra của chúng ta sẽ có nền tảng, căn cứ vững vàng hơn." - ông Lực đánh giá. 

Xét về thị trường lớn thứ 2, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) trong tháng 8 đạt 56 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này ghi nhận tăng trưởng dương, kéo mức giảm luỹ kế 8 tháng đầu năm 2023 chỉ thấp hơn 5% so với cùng kỳ 2022, đạt 393 triệu USD. 

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tôm nói chung vào thị trường Trung Quốc vẫn trên đà tăng trưởng. Lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 591.827 tấn, trị giá 3,33 tỷ USD, tăng 38% về sản lượng và 19% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Với những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay sẽ thu hẹp dần mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường nhỏ hơn như Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sỹ cũng ghi nhận tăng trưởng dương từ 3%-51%. Trong khi đó sang các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận sụt giảm từ 32%-41%.