Xuất khẩu tôm 5 tháng giảm hơn nửa tỷ USD nhưng tốc độ giảm đã chậm lại

Lạc Lạc 16:20 | 27/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 5/2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 331 triệu USD, giảm 28% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022 và cũng là tháng thứ 5 liên tiếp sụt giảm về kim ngạch trong năm 2023. Điểm tích cực trong bức tranh này là con số giảm đã thấp hơn so với mức -35% ghi nhận trong tháng 4.

Về trị giá, xuất khẩu tôm tháng 5 đạt 331 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Luỹ kế 5 tháng, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương giảm khoảng 600 triệu USD.

Theo Vasep, trong cơ cấu xuất khẩu, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 901 triệu USD, giảm 34%; xuất khẩu tôm sú đạt 178 triệu USD, giảm 29% và tôm khác với 139 triệu USD, giảm 40%.

Về thị trường, 5 tháng đầu năm 2023, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn nhất với 196 triệu USD, đứng sau là Nhật Bản với 120 triệu USD; Trung Quốc đại lục & Hong Kong (Trung Quốc) với 114 triệu USD; Hàn Quốc với 114 triệu USD và Australia với 83 triệu USD.

Đối với tôm sú, Trung Quốc đại lục & Hong Kong (Trung Quốc) là thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất. Đứng sau là thị trường Nhật Bản với 35 triệu USD; Mỹ với 22 triệu USD; Đài Loan (Trung Quốc) với 12 triệu USD, Thụy Sỹ với 9 triệu USD.

 

Nhìn chung, Vasep nhận định ngành tôm Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ khó khăn khi phải đối mặt với áp lực lớn từ thị trường như suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm, giá tôm giảm do dư cung, thị trường ngày càng đặt ra yêu cầu cao về sản phẩm (sản phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc, mô hình bền vững…).

Mặt khác, so với các thị trường đối thủ, ngành tôm Việt vẫn còn nhiều hạn chế. Tại Hội nghị toàn thể hội viên năm 2023 hồi giữa tháng 6 của VASEP, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) cho biết, so sánh giá thành sản xuất tôm giữa 3 đối thủ cạnh tranh là Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ thì giá thành tôm nuôi của Việt Nam (4,8-5 USD/kg) cao gấp đôi so với Ecuador (2,3-2,4 USD/kg) và hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4-3,8 USD/kg).

Tỷ lệ thành công của tôm Việt Nam đạt dưới 40%, thấp hơn so với Ecuador (90%) và Ấn Độ (60-70%). Nguyên nhân chủ yếu do tôm Việt trong nuôi thương phẩm đạt thấp do chưa chủ động chọn giống và sản xuất tôm giống có sức chống chịu tốt. 

Về mật độ nuôi, tôm nuôi tại Việt Nam có mật độ cao hơn so với sức tải sinh thái và khả năng quản lý ao, dẫn tới rủi ro lớn. Cụ thể, tôm nuôi Việt Nam có mật độ lên tới 250-500 con/m2, trong khi đó Ấn Độ là 60 con/m2 và Ecuador là 20-30 con/m2.

Tỷ lệ sống của tôm Việt Nam trong nuôi thương phẩm đạt thấp do chưa chủ động chọn giống và sản xuất tôm giống có sức chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường. Phân tích điều này, ông Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX Việt Nam nhận định: "Các nước Ecuador, Ấn Độ đều đưa ra tỷ lệ nuôi thành công cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so tỷ lệ nuôi thành công của chúng ta. Nuôi thành công phụ thuộc vào yếu tố chất lượng con tôm giống và môi trường nuôi, chủ yếu là nước nuôi. Họ có giá mua tôm thương phẩm từ các nhà chế biến, giá mua đó thấp hơn giá các nhà chế biến ta mua từ tôm của bà con nông dân trong nước từ 10.000 đến 30.000 đồng/kg".

"Hy vọng cơn bão giông khó khăn hôm nay, một mặt có sức tàn phá nhưng qua đó cũng sẽ phá vỡ những điểm nghẽn của ngành tôm tồn tại lâu dài lâu nay. Riêng các doanh nghiệp chế biến phải quan tâm hơn lúc nào hết ý thức và thực hiện bộ tiêu chí doanh nghiệp bền vững, đó là con đường duy nhất và tất yếu bảo đảm sự tồn tại và phát triển dài lâu của doanh nghiệp chế biến, qua đó thể hiện được vai trò đầu tàu của chuỗi giá trị con tôm. Tuy nhiên, không chỉ doanh nghiệp chế biến, các mắt xích còn lại cũng phải vươn mình đồng bộ, để con thuyền tôm ta mới có thể mạnh mẽ vượt sóng trên biển lớn" - ông Lực chia sẻ.