Xuất khẩu tôm, cá ngừ sang EU tăng trở lại sau thời gian `chạm đáy` do Covid-19
Theo VASEP, sau nhiều tháng "chạm đáy", xuất khẩu tôm - cá ngừ sang thị trường EU bật tăng từ tháng 7, trong khi xuất khẩu thủy sản tháng 8 vẫn tiếp tục đà suy giảm do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong khi xuất khẩu thủy sản tháng 8 vẫn tiếp tục đà suy giảm do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì xuất khẩu tôm, cá ngừ vào EU đã có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Sản phẩm cá ngừ đại dương Phú Yên
Từ tháng 3 - 6/2020 khi dịch COVID-19 lây lan mạnh ở EU nhiều quốc gia phải phong tỏa hoạt động thương mại và vận tải xuyên biên giới đã khiến việc xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục. Tính đến hết tháng 6/2020, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, trong hai tháng 7 và 8, xuất khẩu tôm vào EU có dấu hiệu tăng nhẹ so với những tháng trước đó và so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 7 xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 54,2 triệu USD, tăng 2% so với tháng 7/2019, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này lại tăng 65% so với so với cùng kỳ. Đến tháng 8 việc xuất khẩu tôm sang EU đã ước tính tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Việc Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tác động mạnh tới xuất khẩu tôm, cá ngừ của Việt Nam sang EU.
Theo cam kết trong hiệp định EVFTA, từ ngày 1/8/2020 các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) của Việt Nam nhập khẩu vào EU đã được xóa bỏ thuế quan.
Còn đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp, từ ngày 1/8 – 31/12/2020, có 4.791 tấn các sản phẩm HS1604.14.11 (cá ngừ ngâm dầu thực vật đóng hộp); HS1604.14.18 (cá ngừ vằn được chế biến hoặc bảo quản, trừ thịt cá xé vụn, philê/loin và các sản phẩm tương tự ngâm dầu thực vật); HS1604.14.90 (cá thuộc họ cá ngừ bonito chế biến hoặc bảo quản, nguyên con hoặc cắt miếng, trừ thịt cá ngừ xé vụn); HS1604.19.39 (cá thuộc họ Euthynnus chế biến hoặc bảo quản, nguyên con hoặc cắt miếng, trừ thịt cá ngừ xé vụn) và HS1604.20.70 (cá ngừ, cá ngừ vằn hoặc cá thuộc họ Euthynnus chế biến hoặc bảo quản loại khác, trừ dạng nguyên con hoặc cắt miếng) sẽ được miễn thuế khi nhập khẩu vào EU.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tạo nên sức hút hơn đối với thị trường EU.
Số liệu thống kê của Hải quan cho thấy xuất khẩu 4 nhóm sản phẩm cá ngừ của Việt Nam trong tháng 7/2020 đều tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhóm các sản phẩm cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô (trừ thịt cá ngừ đông lạnh mã HS0304) tăng mạnh nhất, tăng 2.607% so với tháng 7/2019, tiếp đến là các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 78%.
Hiện Đức, Italy và Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối EU. Trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang cả 3 thị trường này đều tăng trưởng ấn tượng ở mức ba con số lần lượt là 119%, 200% và 210%.
Trong khi đó, Italy lại tăng nhập khẩu cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam (trừ thịt cá ngừ đông lạnh mã HS0304). Tính riêng trong tháng 7, nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Italy, chiếm tới 90% tổng nhập khẩu của EU từ Việt Nam, tăng gần 190% so với cùng kỳ.
Còn Hà Lan tăng nhập khẩu các sản phẩm thịt cá ngừ đông lạnh mã HS0304 từ Việt Nam. Giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam sang Hà Lan tăng tới 659% so với cùng kỳ.
Song song đó, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng tôm Việt Nam như tôm hùm xanh ướp đá, tôm sú HOSO, DP đông lạnh, tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông có mức thuế từ 12,5% đã được giảm về 0%. Đặc biệt, các loại tôm sú có mức thuế từ 20% cũng được xóa bỏ thuế ngay.
EU chính là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, hiện chiếm 13,3% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Mặt hàng tôm xuất khẩu vào EU tăng mạnh.
Trong khi nhu cầu tiêu thụ tôm tại nhà hàng giảm mạnh thì nhu cầu tôm tại các hệ thống bán lẻ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng.
Nhận định về xu hướng thị trường tôm EU, từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho biết, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ hoặc online tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu thụ tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ còn tốt hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Với những tín hiệu lạc quan trong hai tháng vừa qua, VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của Việt Nam là diện tích nuôi trồng tôm đạt chứng nhận của EU còn rất ít và hoạt động khai thác hải sản vẫn đang vướng cảnh báo thẻ vàng IUU.
Hải Yến (t/h)