Xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 12 tỷ USD, tăng 68%

Trang Mai 14:07 | 06/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt hơn 40 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024. Trong đó, nhập khẩu đạt 28,28 tỷ USD và xuất siêu 11,8 tỷ USD, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đà thuận lợi, các lĩnh vực cũng đang gần hơn với kế hoạch năm.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 19,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,9 tỷ USD). Còn số liệu từ Bộ NN&PTNT ghi nhận, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt hơn 40 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024. Trong đó, nhập khẩu đạt 28,28 tỷ USD và xuất siêu 11,8 tỷ USD, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, xuất siêu ngành nông nghiệp chiếm gần 62% tổng kim ngạch xuất siêu cả nước. 

Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng ngành nông nghiệp xuất khẩu khoảng 54 tỷ USD. Như vậy, sao 8 tháng, toàn ngành đã hoàn thành 74% mục tiêu đề ra. ‏

‏Theo báo cáo, k‏‏im ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong 8 tháng năm 2024 đều cao hơn cùng kỳ năm trước.‏

 

‏Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực hoàn trên 70% kế hoạch‏

‏Điển hình nhất trong nhóm nông sản là ‏rau quả. ‏‏Xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, với kim ngạch 8 tháng ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành hàng trái cây Việt Nam, với kim ngạch 2,93 tỷ USD, chiếm tới 64% trong tổng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tiếp đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc…‏

‏Các mặt hàng nông sản của Việt Nam ngày càng có cơ hội xuất ngoại khi mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý, cho phép nhập khẩu chanh leo của Việt Nam và khởi động quy trình xem xét đối với sản phẩm mới của Việt Nam, gồm chanh không hạt, ổi, mít.‏

‏Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết thời gian qua Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng của nước ta, trong đó có sầu riêng đông lạnh. Điều này thúc đẩy giá trị xuất khẩu qua thị trường này tăng. Một số lô hàng sầu riêng của Việt Nam được Thái Lan nhập khẩu sẽ được dùng để xuất khẩu ngược sang Trung Quốc. Ông Nguyên ước tính kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm nay có thể đạt 400-500 triệu USD. ‏

‏Cũng theo ông Nguyên, bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả Việt Nam ngày càng được mở rộng ở khu vực Đông Bắc Á. Theo đó, tại khu vực thị trường này, riêng Trung Quốc và Hàn Quốc đã chiếm 69% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sau 8 tháng. Có thể nói, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam, bởi các doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan, mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics so với các thị trường như EU, Hoa Kỳ…‏

‏Đề cập về chủng loại trái cây, ông Nguyên cho hay sầu riêng vẫn đang đứng “đầu bảng” về xuất khẩu. Trong 8 tháng, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam và Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Ngoài ra các mặt hàng khác như ‏‏chôm chôm, măng cụt, dưa hấu… của nước ta cũng rất được ưa chuộng. ‏

‏Đánh giá về triển vọng từ các thị trường trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội cho hay: “Nhiều thị trường Đông Bắc Á nằm trong vùng ôn đới, cho nên họ rất cần những rau quả nhiệt đới của mình. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển, thời gian vận chuyển ngắn nên hàng hoá có ưu điểm hơn so với các khu vực khác ở xa. ‏

‏Quan trọng, đây là những khu vực có nền kinh tế phát triển, đời sống của người dân càng ngày càng cao, nên vấn đề dinh dưỡng và sức khoẻ họ rất chú trọng. Do đó sẽ tiêu thụ rất nhiều hoa quả, nhưng cũng sẽ đòi hỏi chất lượng càng ngày càng cao, trong đó có vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dư lượng và công nghệ bảo quản, chế biến phải vượt trội hơn các nước khác. Cho nên mình đã chiếm được các thị trường này". ‏

‏Năm 2024, cùng với sự tăng trưởng khi các sản phẩm rau quả mới được ký kết Nghị định thư, mặt hàng này được kỳ vọng mang về 6 tỷ USD. Sau 8 tháng, xuất khẩu rau quả đã hoàn thành 77% kế hoạch. ‏

Biểu đồ: Mai Trang

‏Lúa gạo cũng là mặt hàng ghi nhận tăng trưởng tích cực cả về lượng và giá trong 8 tháng qua, tiếp nối sự thành công trong năm 2023. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,84 tỷ USD. ‏‏Năm 2024 dự báo sẽ là năm liên tiếp xuất khẩu gạo vượt 8 triệu tấn, đạt kim ngạch ‏‏khoảng 5 tỷ USD‏‏. Như vậy, ngành gạo đã hoàn thành 78% kế hoạch. ‏

Biểu đồ: Mai Trang

‏Bên cạnh gạo và rau quả, nhiều mặt hàng tỷ đô khác như cà phê, hạt điều, trái cây khác… cũng ghi nhận nhiều tín hiệu xuất khẩu tích cực. ‏

‏Xuất khẩu lâm sản hoàn thành 59% kế hoạch năm‏

‏Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 10,24 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,5 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ lực gồm: đồ gỗ, viên nén, dăm gỗ, gỗ nguyên liệu… Hoa Kỳ tiếp tục duy trì là thị trường lớn nhất, chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất khẩu. ‏

Biểu đồ: Mai Trang

Năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt ‏‏17,5 tỷ USD‏‏, vượt 21% so với kết quả ước đạt của năm 2023 và vượt 3% kết quả năm 2022. Như vậy, ‏‏xuất khẩu lâm sản chỉ mới hoàn thành gần 59% kế hoạch năm, khá thách thức để hoàn thành mục tiêu ‏‏trong bối cảnh xung đột chính trị kéo dài và không dễ dự đoán. ‏

‏Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ phải đối diện với nhiều thách thức khi ‏‏bắt đầu từ ngày 30/12 tới đây, Quy định chống mất rừng và suy thoái rừng của châu Âu (EUDR) sẽ có hiệu lực thi hành. ‏

‏Thông tin trên Báo Bình Định, ‏‏Châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của 354 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng gỗ trên địa bàn tỉnh, vì thế, quy định EUDR của EU tác động nhiều mặt đối với các đơn vị. Thực hiện tốt quy định EUDR sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, sản phẩm gỗ vào thị trường châu Âu tăng cao, tăng doanh thu. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ không thể xuất bán sản phẩm sang thị trường quan trọng này, đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, thiệt hại là rất lớn.‏

‏Xuất khẩu thuỷ sản 8 tháng tiếp đà hồi phục‏

‏Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) mới đây cũng đã công bố kết quả xuất khẩu thuỷ sản trong 8 tháng với nhiều tín hiệu tích cực. ‏

‏Theo đó, ‏‏kim ngạch trong riêng tháng 8 tăng trưởng 20%, đạt gần 953 triệu USD. Nâng lũy kế 8 tháng đầu năm đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. ‏

‏Trừ mặt hàng mực, bạch tuộc có doanh số giảm 15% trong tháng 8, tất cả các sản phẩm chủ lực khác đều có tăng trưởng 2-3 con số. Trong đó, tôm tăng 30%, cá tra tăng 18%, cá ngừ tăng 13% và các loại cá biển khác tăng 12%.‏

‏Với mục tiêu đầy thách thức là 10 tỷ USD, đến nay ngành thuỷ sản đã hoàn thành 63% kế hoạch. ‏

‏Vasep đánh giá, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường đều có chiều hướng khả quan hơn về mặt nhu cầu cũng như sự hồi phục dần dần về giá. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức lớn làm hạn chế sự tăng trưởng trong những tháng tới như thẻ vàng IUU, thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá… Do vậy, xuất khẩu thủy sản tới cuối năm 2024 khó có thể đạt mốc 10 tỷ USD, có thể dao động ở mức 9,4-9,5 tỷ USD, tăng gần 6% so với năm 2023.‏

Biểu đồ: Mai Trang

‏Trong cuộc gặp mặt báo chí mới đây, ‏‏Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ‏‏đ‏‏ể đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP 3,5%, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, gồm: Tập trung giải ngân đầu tư công; tăng cường phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ đồng ruộng; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong tất cả lĩnh vực như thủy lợi, phòng chống thiên tai, lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, thú y, bảo vệ thực vật...‏

‏Đồng thời, nâng cao năng lực chế biến sâu, tập trung xây dựng thương hiệu để nông sản Việt Nam thực sự có giá trị trên thị trường quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu những sản phẩm nông sản có lợi thế; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Chiến lược 150…‏

‏“Đây là những giải pháp mang tính căn cốt để thúc đẩy cho toàn ngành nông nghiệp về đích năm 2024 và tạo tiền đề cho những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.