Xúc tiến thương mại: Hiệp hội cần như doanh nghiệp

11:07 | 13/04/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, hiệp hội cần đóng vai trò như một đơn vị cung cấp dịch vụ, hoạt động như một doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại. Đây là cách làm đem lại thành công cho nhiều doanh nghiệp, hiệp hội trong những năm gần đây.


Xúc tiến thương mại: Hiệp hội cần như doanh nghiệp - ảnh 1
Tọa đàm tại Diễn đàn “Đổi mới cách thức triển khai xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu”. Ảnh: DNVN/Minh Hoa.
Chia sẻ tại một tọa đàm về đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức tại Hà Nội ngày 12/4, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đã đưa ra những nội dung rất thú vị về nhu cầu của doanh nghiệp và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xúc tiến thương mại, giải đáp phần nào câu hỏi cũng như đưa ra giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu hiệu quả, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại diện của một công ty xuất khẩu chè đã có nhiều năm xuất khẩu chè thành công sang châu Âu chia sẻ: Để có thành công ngày hôm nay, Cục Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ doanh nghiệp của họ rất nhiều để xuất khẩu được sản phẩm chè sang Hà Lan. 

Tọa đàm về đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn “Đổi mới cách thức triển khai xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương tổ chức tại Hà Nội ngày 12/4.

Theo vị đại diện này, để xúc tiến thương mại thành công phải hiểu được thị trường. Ngoài sự kết nối của cơ quan xúc tiến, doanh nghiệp phải nỗ lực và kiên trì phát triển sản phẩm và dịch vụ khách hàng.

“Chúng tôi đã từng lái xe vòng quanh châu Âu, gặp từng doanh nghiệp một. Thời điểm ban đầu, doanh nghiệp châu Âu có ấn tượng xấu với sản phẩm vốn dĩ dư thuốc thực vật của Việt Nam. Năm đầu tiên, họ không tiếp chúng tôi. Năm thứ hai, chúng tôi vẫn kiên trì gửi sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn châu Âu cho họ. Năm thứ ba, chúng tôi mới gặp được họ”, đại diện doanh nghiệp chè chia sẻ.

Đáng chú ý, vị đại diện này nhấn mạnh đến vai trò của Hiệp hội như đơn vị cung cấp dịch vụ, hoạt động như một doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền đàm phán, so sánh, hiệp hội cũng phải cạnh tranh, như thế mới có thể thành một đơn vị tư vấn, chứng nhận, cung cấp thông tin về dịch vụ thị trường.

Đồng tình với ý kiến trên, đặc biệt là đưa ra kinh nghiệm hoạt động 15 năm của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), ông Lê Bá Ngọc, đại diện cho Vietcraft tự hào về hoạt động có thể cạnh tranh tốt của Hiệp hội mình trong xúc tiến thương mại.

Theo ông Ngọc, ngành thủ công mỹ nghệ may mắn được đồng hành cùng Cục Xúc tiến thương mại và Vietcraft. Với sự đồng hành này, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang dần thay thế hàng của Trung Quốc tại thị trường châu Âu. Vietcraft được thành lập vào năm 2004 nhưng chỉ sau hai năm đã bắt đầu với thương mại điện tử, tìm đến các nhà máy sản xuất để bán các hợp đồng xuất khẩu. Năm 2013, Hiệp hội đã mua một số dữ liệu nhập khẩu của khách hàng, liên hệ nhiều văn phòng mua hàng ở Việt Nam, Thượng Hải, Hong Kong, Thái Lan.

“Kinh nghiệm của chúng tôi là, muốn bán hàng phải tìm hiểu thị trường, khách hàng có rất nhiều yêu cầu, phải đáp ứng yêu cầu và bảo vệ danh tiếng cho họ. Phải nắm yêu cầu thị trường vốn rất khác biệt. Cần hết sức lưu ý, doanh nghiệp nhỏ nhưng tư duy phải toàn cầu và thị trường đối tác phải rất cụ thể. Với công nghệ số hiện nay, dịch chuyển dễ dàng nhưng doanh nghiệp phải xây dựng niềm tin hết sức bền bỉ, kiên trì”, ông Ngọc nói.

Xúc tiến thương mại: Hiệp hội cần như doanh nghiệp - ảnh 2
Ông Lê Bá Ngọc, đại diện cho Vietcraft tự hào về hoạt động có thể cạnh tranh tốt của Hiệp hội mình trong xúc tiến thương mại. Ảnh: DNVN/Minh Hoa.
Ông Ngọc cũng khẳng định Vietcraft chấp nhận cạnh tranh để hợp tác với doanh nghiệp và tự hào là một trong những đơn vị tạo được sự cạnh tranh cao vì thu phí cao, trong bối cảnh không phải doanh nghiệp nào cũng chuyên nghiệp. Vietcraft cạnh tranh bằng nụ cười với khách hàng, cung cấp dịch vụ tốt nhất để tạo cho doanh nghiệp tính chuyên nghiệp trong hoạt động xuất khẩu. Hiệp hội đã hợp tác với Thụy Điển, tạo sự khác biệt trong cung cấp dịch vụ, phát triển sản phẩm mới và bán cho doanh nghiệp Việt. Sản phẩm của Hiệp hội mang tới hội chợ như doanh nghiệp.

Đại diện cho cơ quan quản lý, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ có những định hướng trong hoạt động xúc tiến thương mại. Cần phải có sự hỗ trợ, ưu tiên về hoạt động này cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi các doanh nghiệp lớn với tiềm lực nguồn tài chính lớn có thể thuê chuyên gia để làm hoạt động xúc tiến rất hiệu quả, trong khi đó doanh nghiệp vừa và nhỏ lại phải tự bươn trải nên rất khó khăn.

“Cần phải tăng cường hoạt động cung cấp thông tin thị trường, tư vấn thông tin ngoài thị trường cũng như những hoạt động kết nối giữa người mua và người bán, giữa các nhà xuất khẩu của Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài và ngược lại một cách hiệu quả hơn nữa. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế cũng như đối tác thương mại quốc tế và phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại”, ông Vũ Bá Phú nói.

Chủ động thích ứng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thay đổi căn bản về xúc tiến thương mại theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn cũng là yêu cầu đối với doanh nghiệp được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại Diễn đàn nhằm tận dụng và phát huy lợi thế cũng như các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thời gian tới.