Yêu cầu hoàn thành 8 km Vành đai 3 TP HCM sớm hơn kế hoạch
Chỉ đạo được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi cùng đoàn công tác Chính phủ kiểm tra tiến độ dự án Vành đai 3, chiều 29/1. Thủ tướng yêu cầu địa phương nơi dự án đi qua sớm giao mặt bằng để dự án được đẩy nhanh. Nhà thầu nếu làm tốt sẽ được tham gia ở các dự án lớn khác.
Dự án 1A dài 8,2 km, là một thành phần của Vành đai 3, kết nối từ tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP HCM). Khởi công tháng 9 năm ngoái với tổng vốn hơn 6.900 tỷ đồng, dự án này trước đó được đặt kế hoạch hoàn thành tháng 9/2025.
Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án 1A có hai gói thầu chính, gồm: cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai nối sang TP HCM (dài 2,6 km, rộng 19,5 m) và đường dẫn ở hai đầu, tổng chiều dài hơn 5,6 km.
Vướng mắc mặt bằng tại dự án này chủ yếu ở phía Đồng Nai, khi địa phương mới bàn giao 1,3 km trong tổng 6,3 km chiều dài tuyến qua địa bàn. Trong khi TP HCM đã bàn giao toàn bộ gần 2 km chiều dài của tuyến. Hiện, chủ đầu tư đề nghị Đồng Nai giao toàn bộ mặt bằng cho dự án trong tháng 2 năm nay, để đẩy nhanh tiến độ xây cầu Nhơn Trạch và đủ điều kiện thi công đường dẫn.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), cho biết toàn bộ mặt bằng được bàn giao trong quý một năm nay, nhà thầu rút ngắn thời gian hoàn thành dự án ít nhất ba tháng. Sau khi Thủ tướng yêu cầu, các đơn vị cố gắng xong dự án trước 30/4/2025, để kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.
Ngoài dự án 1A đã khởi công, phần còn lại chưa khép kín của Vành đai 3 dài hơn 76 km, tổng vốn gần 75.400 tỷ đồng do 4 địa phương thực hiện: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phối hợp tốt công tác chuẩn bị, nhất là khâu thiết kế nhằm tránh điều chỉnh sau này. Các địa phương cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để khởi công dự án vào tháng 6 năm nay, thông xe kỹ thuật toàn tuyến tháng 6/2025 và hoàn thành một năm sau đó.
Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông trong khu vực; mở ra không gian mới, hình thành các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại cũng như chi phí logistics. Điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho khu vực, sẽ tạo động lực mới cho kinh tế, xã hội cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hơn 20 triệu người.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, hiện nay, 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đã hoàn thành công tác phê duyệt và bàn giao ranh giới giải phóng mặt bằng phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với các dự án thành phần xây dựng, TP HCM và UBND tỉnh Long An đã phê duyệt cơ bản đáp ứng theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ, hiện đang triển khai các công tác ở bước thiết kế kỹ thuật. Các dự án thành phần xây dựng của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đang hoàn tất thủ tục phê duyệt.
Đối với các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cả 4 địa phương đã phê duyệt dự án, đã triển khai các công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; cơ bản hoàn thành công tác đo vẽ, kiểm kê, đang lập phương án bồi thường. Các địa phương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương lân cận có mỏ vật liệu chưa sử dụng đến thì chia sẻ với các địa phương để phục vụ dự án.
Tại công trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đã phối hợp hiệu quả triển khai dự án; bước đầu công tác chuẩn bị đầu tư, bố trí nguồn vốn, chuẩn bị vật liệu... đã được các đơn vị chủ động thực hiện.
Thủ tướng đề nghị 4 tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là khâu thiết kế tránh phải điều chỉnh về sau này; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, khởi công dự án vào 6/2023 để cơ bản thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 6/2025, hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6/2026.