Yếu tố nào giúp xây dựng hạ tầng trở thành điểm sáng toàn ngành?
Theo báo cáo mới đây (25/5) của CTCP Chứng khoán VNDIRECT, sau khi được chỉ định thầu hàng loạt tại dự án cao tốc Bắc - Nam Giai đoạn 2, nhiều công ty xây dựng hạ tầng đã ghi nhận giá trị backlog lớn. Cùng với việc Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các doanh nghiệp trên đã đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng mạnh cho năm nay.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn nhà nước thực hiện (đầu tư công) trong tháng 4/2023 tăng 16,4% so với cùng kỳ lên 39.300 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng đầu năm, vốn nhà nước thực hiện tăng 17,9% so với cùng kỳ lên 131.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn đầu tư công thực hiện trong 4 tháng chỉ đạt khoảng 19% kế hoạch cả năm 2023. Do đó, nhóm phân tích nhận định Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công trong những tháng tới để hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vào năm 2023.
Giá trị backlog lớn sẽ đảm bảo tăng trưởng doanh thu mảng xây lắp của các công ty xây dựng hạ tầng trong giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, sau khi liên tiếp được chỉ định thầu tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam Giai đoạn 2 (đầu năm 2023), các công ty xây dựng hạ tầng hàng đầu đã ghi nhận giá trị backlog tăng đáng kể.
Như giá trị backlog của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) cuối quý I là 3.135 tỷ đồng, gấp 6 lần so với trung bình doanh thu mảng xây lắp của công ty trong giai đoạn 2021 - 2022.
VNDIRECT đánh giá, việc các dự án hạ tầng giao thông thường có được thi công trong 2 - 2,5 năm, trong giai đoạn 2023 - 2025, các công ty xây dựng hàng đầu đang đứng trước cơ hội tăng gấp đôi quy mô doanh thu so với giai đoạn 2021 - 2022. Bên cạnh đó, các công ty này vẫn đang có cơ hội tiếp tục giành thêm những gói thầu mới và trực tiếp hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Vì vậy, quy mô doanh thu của các công ty xây dựng hàng đầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa trong những năm tới.
Siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (LTIA) cũng hấp dẫn nhiều nhà thầu với tổng giá trị xây lắp lên tới 56.000 tỷ đồng (Giai đoạn 1). Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà thầu tại gói 5.10 – gói thầu lớn nhất xây dựng nhà ga hành khách tại LTIA vẫn đang liên tục bị trì hoãn do giá thầu thiếu hấp dẫn và thời gian thi công gấp gáp. Nhóm phân tích kỳ vọng sau khi được phê duyệt điều chỉnh 2 nút thắt lớn nhất kể trên, LTIA cũng sẽ là động lực tăng trưởng cho các nhà thầu nội trong thời gian tới. Hơn nữa, ban lãnh đạo của các công ty xây dựng cũng chia sẻ rằng vốn đối ứng ban đầu của chủ đầu tư cho nhà thầu tại các dự án sân bay thường là 30 - 50% giá trị gói thầu, cao hơn đáng kể so với các dự án thi công đường bộ (10 - 20%).
Như vậy, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng sẽ là điểm sáng được hưởng lợi lớn từ xu hướng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2023 - 2025 và các công ty đáp ứng các tiêu chí về năng lực thi công tốt; tỷ lệ giá trị backlog/doanh thu lớn và sức khỏe tài chính lành mạnh.
Bức tranh toàn ngành vẫn có phần ảm đạm
Trước đó (22/5), trong chương trình "Đối thoại đầu tuần" với chủ đề Cấp bách gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp ngành xây dựng do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết 2023 là năm khó khăn nhất của ngành xây dựng bởi các yếu tố kinh tế toàn cầu tác động đến Việt Nam cùng với ảnh hưởng từ ngành bất động sản.
Cụ thể, do ảnh hưởng từ ngành bất động sản, tình trạng nợ "chuỗi domino". Chủ đầu tư hiện nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ và nhà thầu nợ nhà cung cấp vật liệu đang khiến hoạt động của các doanh nghiệp thầu xây dựng ngày càng khó khăn.
Thách thức này được phản ánh ngay trong quý đầu năm 2023. Theo đó, đa phần các doanh nghiệp trong ngành nhận định hoạt động xây dựng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu, tỷ giá, lãi suất gia tăng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao; các yếu tố này đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
Theo ông Hiệp, giai đoạn 2020 - 2023 ngành xây dựng được hỗ trợ bởi đầu tư công cho các công trình hạ tầng kỹ thuật với lượng vốn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, chỉ có một số ít doanh nghiệp làm được nên việc làm chưa phân bổ đều. Nhìn chung, doanh nghiệp xây dựng đang rất khó khăn khi vừa không có việc làm, vừa gặp vấn đề công nợ từ các các chủ đầu tư. Do không có nguồn thanh toán, các nhà thầu vô tình trở thành bên "chịu trận" cuối cùng của cuộc khủng hoảng bất động sản.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Fecon bổ sung, tuy đầu tư công được kỳ vọng là "cứu cánh" cho ngành nhưng vẫn tiềm ẩn 2 rào cản chính.
Đầu tiên, quy định về Luật Đấu thầu đang gây bất cập cho doanh nghiệp, trong trường hợp nhà thầu đủ năng lực kinh nghiệm để thực hiện dự án, nhưng công trình tương tự không có cũng không thể tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, đơn giá định mức của Nhà nước chưa theo kịp thị trường dẫn đến nguy cơ lỗ cho các bên tham gia đầu tư công, đặc biệt là đơn giá vật liệu xây dựng khi tăng cao không thể cập nhật định mức. Vì vậy, một số dự án đầu tư công khó có thể đẩy nhanh tiến độ như chủ đầu tư mong muốn.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch VACC kiến nghị cần có hành lang pháp lý công bằng hơn để bảo vệ nhà thầu. Ví dụ, cơ chế bảo đảm thanh toán của chủ đầu tư, nếu muốn nghiệm thu, đưa vào sử dụng công trình phải xác định trách nhiệm của nhà thầu đã hoàn thành.
Đồng thời cần một cuộc cách mạng về đơn giá định mức trong bối cảnh đầu tư công đang được đẩy mạnh. Đặc biệt, cần cơ chế hỗ trợ nhà thầu một cách bình đẳng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có cơ chế về đào tạo khi không có doanh nghiệp nào có thể đảm đương tài chính.