Xóa rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh xây dựng
Cụ thể, Chương trình hành động của Bộ Xây dựng đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong số đó, nổi bật là việc tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư.
Để giải quyết “nút thắt” về bất cập pháp lý, Bộ Xây dựng yêu cầu, trong thực hiện dự án đầu tư, đơn vị được giao tham gia hoặc tham mưu thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động, đề xuất tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật.
Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tập hợp vấn đề kèm theo các giải pháp tương ứng (nếu có) để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời gửi kiến nghị tới các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Các Tổ công tác này bao gồm: Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương; các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính.
Thêm các giải pháp nhiệm vụ được ngành xây dựng đặt ra để thực hiện Nghị quyết số 02 là nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Do đó, Bộ Xây dựng sẽ chủ động rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh theo hướng: bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, khó dự đoán, và không dựa trên cơ sở khoa học rõ rang.
Đối với các điều kiện kinh doanh không phù hợp với thực tiễn thì kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ và không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ rà soát các loại chứng chỉ và kiến nghị bãi bỏ chứng chỉ không cần thiết; thu gọn các loại chứng chỉ có sự trùng lắp về nội dung để tránh lãng phí chi phí của xã hội…
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đặt ra nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng quy định thủ tục hành chính và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng chú trọng hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh…
Nhằm nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, các đơn vị được giao quản lý đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Trường hợp cần thiết đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải có báo cáo đánh giá tác động toàn diện.