10 con tôm bán ở Hàn Quốc, 8 con xuất xứ từ Việt Nam
15:56 | 25/03/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là nhận định của ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade) Bộ Công Thương trong cuộc trao đổi cùng phóng viên bên lề Hội nghị Kinh tế và tài chính quốc tế lần thứ 8 với chủ đề “Việt Nam-Hàn Quốc, Kế hoạch tăng trưởng đổi mới vì sự thịnh vượng chung”.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian qua và Hiệp định song phương VK FTA đến nay đã mang lại những lợi ích gì cho 2 nước?
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là một quan hệ đặc biệt, kể từ khi Hàn Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao sau đó là quan hệ đối tác chiến lược và năm 2009. Đặc biệt từ năm 2015 khi Hiệp định VK FTA ra đời và có hiệu lực, quan hệ thương mại đầu tư giữa 2 nước đã có một bước tăng trưởng phát triển vượt bậc.
Tính đến tháng 2/2019 Hàn Quốc đứng thứ 1 trong 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 7.592 dự án và tổng vốn đầu tư 63,705 tỷ USD. Năm 2018 cả hai nước có tổng kim ngạch đạt trên 65 tỷ USD. Dù kim ngạch của Việt Nam vào Hàn Quốc mới chỉ đạt được 18,2 tỷ USD nhưng đây là một bước phát triển đáng kể trong suốt thời gian qua.
Để có được những con số tăng trưởng ấn tượng trên, có công rất lớn của Hiệp định VK FTA. Hiệp định này có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi cho rất nhiều cho các nhà đầu tư, thương nhân của Hàn Quốc vào Việt Nam để đầu tư kinh doanh và xuất nhập khẩu. Đây là nguyên nhân và động lực chủ yếu tạo nên mức tăng trưởng hai chiều của Việt Nam và Hàn Quốc.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến chính sách Hướng Nam gần đây của Chính phủ Hàn Quốc. Chính sách này hướng đến các thị trường Nam Á, Đông Nam Á... và Việt Nam là một mắt xích rất quan trọng, chủ chốt của khu vực. Điều này càng khẳng định khi thời gian vừa qua hầu hết các cơ quan đại diện ở nước ngoài của Hàn Quốc ở khu vực Đông Nam Á (Singapore, Malaisia, Philippines... ) đã được chuyển về Việt Nam.
Thưa ông, có thể thấy Hiệp định VK FTA đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quôc phát triển mạnh mẽ. Vậy các doanh nghiệp ở những lĩnh vực nào và mặt hàng nào là mặt hàng chủ yếu trong xuất nhập khẩu của 2 nước?
Qua con số thống kê, sau khi Hiệp định VK FTA có hiệu lực, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc có mức tăng trưởng cao như: đồ gỗ, giày dép, hàng dệt may, xơ sợi...
Điển hình như đối với mặt hàng dệt may, sau khi có Hiệp định VK FTA mức thuế xuất khẩu cho mặt hàng đã được cắt giảm nhiều, hàng dệt may Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh đó, lĩnh vực thời trang vốn là thế mạnh của Hàn Quốc, nên khi Hiệp định này có hiệu lực nhiều doanh nghiệp thời trang Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam để mở ra các nhà máy. Tương tự như thế ở mặt hàng đồ gỗ, xơ sợi, dệt… sau đó nhập khẩu sản phẩm ngược trở lại Hàn Quốc để tận dụng những ưu đãi thuế quan.
Ngoài ra, nông sản và thủy sản cũng là một trong số những mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh mẽ vào thị trường Hàn Quốc kể từ khi VK FTA có hiệu lực, không chỉ là hạt tiêu, cà phê... mà còn rất nhiều những loại hàng hóa như: rau, củ, hoa quả... được những nhà đầu tư Hàn Quốc sang Việt Nam thuê đất, mở trang trại, liên kết các công ty của Việt Nam thực hiện canh tác và xuất khẩu ngược trở lại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, thủy sản - mặt hàng truyền thống của Việt Nam càng ngày càng dành được chỗ đứng và sự quan tâm, yêu thích ở thị trường Hàn Quốc. Nếu như 10 con tôm được bán ở thị trường Hàn Quốc thì có khoảng 8 con đến từ Việt Nam. Điều này chứng tỏ những mặt hàng của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình tại thị trường Hàn Quốc.
Nhiều chuyên gia nhận định Hiệp định VK FTA vẫn là mảnh đất màu mỡ đối với Việt Nam cũng như phía Hàn Quốc. Vậy ông có thể chia sẻ thêm về những tiềm năng còn chưa khai thác hết của Hiệp định VK FTA đối với Việt Nam cũng như phía Hàn Quốc?
Bên cạnh các nhà đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao như: Điện thoại thông minh, máy tính, tivi, các sản phẩm cho máy bay... họ cần những nhà cung cấp ở địa phương, những nhà thầu phụ. Đây là mảnh đất rất tiềm năng, màu mỡ cho doanh nghiệp cả hai phía cùng phát triển.
Theo cá nhân tôi, trong thời gian đợi những chính sách phát triển khoa học, công nghệ cũng như ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam có thể phát triển trở thành đối tác của các doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài. Tôi khuyến nghị không chỉ những doanh nghiệp Hàn Quốc mà cả những doanh nghiệp về công nghệ của các nước khác trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, có thể vào Việt Nam tìm kiếm những đối tác phù hợp, những công ty sản xuất tốt, công ty công nghệ tốt của Việt Nam để thành lập ra những liên doanh hoặc có thể tự thành lập công ty sở hữu trong lĩnh vực phụ trợ nhằm cung cấp linh kiện, phụ tùng cho những ngành công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, mà ở đó chủ yếu là những nhà đầu tư nước ngoài họ nắm vai trò chủ đạo.
Thông qua cách đó có thể tạo ra những hiệu ứng lan tỏa, ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp nhận những công nghệ, tri thức, bí quyết trong lĩnh vực sản xuất công nghệ, phụ tùng, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của những nhà sản xuất lớn trên thế giới.
Thưa ông, được biết vào tháng 12/2018 Bộ Công Thương đã ký kết bản ghi nhớ với Hàn Quốc là sẽ có chương trình hành động với mục tiêu nâng kim ngạch song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020. Vậy với vai trò người đứng đầu đơn vị xúc tiến thương mại, ông đánh giá như thế nào về việc hai bên cần phải làm để đạt được mục tiêu trên?
Sau khi bản thỏa thuận giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thương mại Hàn Quốc được ký kết, ngay khi về Việt Nam Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có những chỉ đạo cho các đơn vị liên quan có những hành động cụ thể. Trước hết rà soát lại, đánh giá các mặt hàng tiềm năng của Việt Nam cũng như Hàn Quốc có tiềm năng phát triển trong tương lai để có thể giúp tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 100 tỷ USD vào năm 2020 như trong bản thỏa thuận.
Theo đó, các đơn vị chức năng như Vụ Thị trường ngoài nước, Vụ Châu Á, Châu Phi… rồi đến các Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại có nhiệm vụ xây dựng những chương trình hành động chi tiết sau khi tìm ra những mặt hàng, ngành hàng, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Từ đó để có những cơ chế và những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể từ khâu phát triển sản phẩm cho đến xây dựng phát triển thương hiệu và kết nối các nhà kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu, nhập khẩu với nhau ở trên thị trường Việt Nam và Hàn Quốc.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ có chương trình hành động cụ thể với từng lĩnh vực, ngành hàng, địa phương để có thể huy động tối đa tiềm năng,tận dụng lợi thế mang lại từ Hiệp định VK FTA và đạt được mục tiêu như trong thỏa thuận giữa hai bên.