10 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức tuần tới, tỷ lệ cao nhất hơn 51%

Minh Hằng 12:36 | 28/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong tuần từ ngày 30/10 đến 4/11 thị trường chứng khoán có 10 doanh doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu, trong đó tỷ lệ cao nhất được chia hơn 51%.

CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông Nghiệp (Bảo hiểm Agribank - Mã: ABI) chốt ngày 3/11 là ngày giao dịch không hưởng quyển để nhận cổ tức với tổng tỷ lệ 51,34%.

Công ty dự kiến phát hành thêm hơn 20,83 triệu cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 41,34%, tương đương cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 4.134 cổ phiếu mới. Nguồn vốn sử dụng được trích từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được tính đến thời điểm 31/12/2022. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 208 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của Bảo hiểm Agribank sẽ tăng thành 723,9 tỷ đồng.

Công ty cũng chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%/cp (1.000 đồng/cp). Với hơn 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Bảo hiểm Agribank dự kiến sẽ dành ra 50 tỷ đồng cho đợt cổ tức tiền mặt lần này. Thời gian thanh toán dự kiến ngày 28/11.

Tổng CTCP Thép Việt Nam - VNSteel (Mã: TVN) sẽ thanh toán cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 3%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 300 đồng. Với 678 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính tổng công ty sẽ chi hơn 203 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/10 và thời gian thanh toán dự kiến là 23/11.

Liên quan đến tình hình kinh doanh của VNSteel, luỹ kế 9 tháng, VNSteel đạt 23.027 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 24% so với 9 tháng đầu 2022. VNSteel lỗ sau thuế 453 tỷ và lỗ ròng 404 tỷ, cùng kỳ năm ngoái lỗ ròng 425 tỷ.

VNSteel cho biết nằm trong tình hình chung, tiêu thụ thép thành phẩm các tháng trong quý III tại thị trường nội địa của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép có sự cải thiện so với các tháng liền trước cũng như so với cùng kỳ.

Tuy nhiên tính chung 9 tháng tiêu thụ vẫn sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 do nhu cầu tiêu thụ thép của thị trường thấp, ngay cả trong các thời điểm là mùa xây dựng nhưng sản lượng tiêu thụ các nhà máy đều không tăng như thông lệ. Hầu hết các nhà máy đều phải thực hiện các giải pháp tiết giảm tối đa chi phí, vận hành sản xuất luân phiên để duy trì hoạt động.

Lũy kế 9 tháng năm, tiêu thụ thép thành phẩm các loại của VNSteel đạt trên 2 triệu tấn, bằng 77% cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thép xây dựng đạt trên 1,5 triệu tấn, thép cuộn cán nguội đạt trên 345.000 tấn, tôn mạ đạt trên 201.000 tấn. VNSteel ghi nhận 10,95% thị phần ở mảng thép xây dựng 9 tháng đầu năm, xếp thứ hai sau Hoà Phát (33,27%).

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty.

Ngày 1/11 tới đây là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 của CTCP Tư vấn đầu tư IDICO (Mã: INC) với tỷ lệ 15% bằng tiền (1.500 đồng/cp). Với 2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ chi 3 tỷ đồng để trả cổ tức. Ngày thanh toán là 15/11.

Hiện tại, Tổng công ty IDICO - Công ty Cổ phần (Mã: IDC) là cổ đông lớn nhất của INC với tỷ lệ 70,4% vốn điều lệ và do đó sẽ nhận về 2,1 tỷ đồng.

CTCP Nam Việt (Mã: ANV) sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 1.000 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/10.

Với hơn 133 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Nam Việt sẽ phải chi hơn 133 tỷ đồng để trả cổ tức. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 25/12.

Mới đây, Nam Việt đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với kết quả không mấy khả quan. Doanh thu thuần giảm 11% so với cùng kỳ về 1.099 tỷ đồng. Công ty lãi sau thuế 1 tỷ đồng, giảm hơn 99% so với con số 120 tỷ cùng kỳ.

Nam Việt giải trình, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý đều được tiết giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát kéo dài khiến giá bán chưa được phục hồi, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm sút.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 3.328 tỷ, lãi sau thuế 42 tỷ, giảm lần lượt 11% và 93% so với cùng kỳ.

9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam rơi vào cảnh khốn khó, trong đó có cá tra. Tuy nhiên theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), điểm tích cực là xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chính trong tháng 9 đã có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài sụt giảm.

VASEP cho rằng cá tra Việt Nam còn nhiều dư địa trên thị trường Mỹ khi có nhiều yếu tố thuận lợi cho ngành hàng này. Tại hội thảo quốc tế ngành cá tra 2023, ông Arno Willemink, Giám đốc Vận hành De Heus Việt Nam cho biết cá tra có mức giá hợp lý đang dần thay thế các loại cá thịt trắng khai thác tự nhiên, đây là xu hướng chung tác động đến tiềm năng tiêu thụ ngành cá tra thời gian tới,...

Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của doanh nghiệp.