3 bài học kinh doanh từ việc VinGroup nhiều lần “đóng cửa”

11:23 | 07/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Là tập đoàn đa ngành quy mô lớn, Vingroup đã phải trải qua những quyết định mang tính giai đoạn, đầy đột phá và dứt khoát. Cách đóng cửa và bán một số mảng kinh doanh của Vingroup cũng để lại nhiều bài học.

Năm 2011, khi Vingroup chuyển nhượng tháp B (khối văn phòng) của toà nhà Vincom Center Hà Nội tại 191 Bà Triệu cho Ngân hàng Techcombank Việt Nam, dư luận đã đặt ra nhiều dấu hỏi về khả năng tài chính của doanh nghiệp này.

Năm 2019, công chúng bất ngờ khi Vingroup công bố việc VinCommerce, VinEco sẽ về tay Masan để sáp nhập với Masan Consumer thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ. Mới đây, việc Vingroup quyết định đóng cửa với điện thoại, TV cũng tạo ra không ít thông tin nghi hoặc. 

Câu nói: “Ở nhà Vinhomes, đi xe Vinfast, khám bệnh Vinmec, cho con học Vinschool, đi nghỉ dưỡng ở Vinpearl, mua đồ Vinmart, ăn rau sạch ở VinEco” được nhắc đến khá phổ biến. Điều này không chỉ là thành công của truyền thông khi nhìn từ giác độ tác động cộng đồng. Nếu nhìn qua lăng kính của mô hình Ansoff (mô hình phát triển sản phẩm thị trường) đang được áp dụng khá phổ biến, sẽ thấy bức tranh toàn cảnh của Vingroup và vị trí mà doanh nghiệp này đang đứng.

3 bài học kinh doanh từ việc VinGroup nhiều lần “đóng cửa” - ảnh 1

Mô hình Ansoff

Khởi đầu, Vingroup tập trung vào sản phẩm bất động sản. Sau khi đã hiểu sâu sắc về sản phẩm và thị trường, tập đoàn này tiến vào ô màu cam (ô Thâm nhập sâu vào thị trường). Tiếp đó, Vingroup tuyên bố phát triển nhiều lĩnh vực mới, với nhiều sản phẩm và thị trường mới. Giai đoạn này chính là sự ra đời của các thương hiệu và sản phẩm như ô tô, điện thoại, TV.

Việc tiến vào hàng loạt lĩnh vực sản xuất mới, thị trường mới cũng đồng nghĩa với việc Vingroup đã bước sang ô màu xanh lá cây, ô Đa dạng hóa. Khi đạt tới mức chuyên sâu trong mỗi lĩnh vực hoạt động và đa dạng bằng cách phát triển trên nhiều lĩnh vực, thì việc điều chỉnh chiến lược để đạt các mục tiêu lớn hơn là điều sẽ tiến hành. 

Việc Vingroup đóng cửa mảng TV và điện thoại di động sau 3 năm hoạt động. Thay vào đó, tập trung phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở, trong đó bao gồm hệ thống thông tin – giải trí – dịch vụ (Infotainment) trên xe VinFast là “bước đi chiến lược” nhằm đưa VinFast tiến đến mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh, tiện ích, chất lượng cao - theo tuyên bố của Vingroup mới đây.

Để làm được điện thoại Vsmart, Vingroup đã đầu tư nhà máy, kỹ sư và cả một lượng nhân lực lớn. Cũng không ít lần để bán được hàng, Vsmart phải giảm giá (thậm chí giảm 50% so với giá niêm yết).

Theo báo cáo tài chính của VIC thì mảng sản xuất đang kinh doanh dưới giá vốn, doanh thu quý 1 năm 2021 tăng mạnh lên 4.800 tỷ nhưng giá vốn lên tới 7.500 tỷ, thành ra lỗ 2.700 tỷ. 

Từ góc độ nghiên cứu và phát triển về hiệu quả sử dụng vốn, ông Nguyễn Hoàng Dũng – Chuyên gia Kinh tế nhận định: “Nếu VinGroup phải đầu tư 10 phần nguồn lực vào mảng điện thoại và tivi của VinSmart nhưng hiệu quả mang lại chỉ 1-2 so với đầu tư vào VinFast 10 mà hiệu quả mang về lên được 4-5, thì lời giải là rõ ràng. Nếu xét về tiềm năng phát triển thị trường tương lai xa, VinFast có thể đạt 10, thậm chí lên đến 20, thì đáp án càng rõ".

Theo ông Dũng, giai đoạn Vingroup đa dạng hóa là để phát triển quy mô của tập đoàn và kiểm chứng thị trường. Sau đó, như đã thấy, Vingroup giảm đa dạng hóa và chuyển sang tập trung, Việc này rất khó và sự chuyển dịch dần là cần thiết để có thể xây dựng nên sản phẩm chiến lược tương lai mà họ muốn, chính là Vinfast.

“Việc chặt đứt một nguy cơ lỗ đã kéo dài và ít có điểm sáng khả quan để trở thành người dẫn dắt cuộc chơi thì nên chấm dứt càng sớm càng tốt. Trong kinh doanh không ai muốn buông bỏ, nhưng đôi khi cần phải buông để đầu tư mới, hay đầu tư tập trung, có chiều sâu cho những nhánh mạnh đã thành hiện thực thì còn hơn là duy trì cầm chừng một nhánh yếu”, ông Dũng nhấn mạnh.­­

Dưới góc nhìn của chuyên gia bán lẻ, ông Phạm Thái Bình chia sẻ: “Đây cũng không phải lần đầu Vin “cắt lỗ” những mảng kinh doanh không tốt như kì vọng, họ đã từng buông như Adayroi, Vinpro...giờ đây là điện thoại, TV hay sẽ là 1 mảng nào đó sắp tới… Với Vin định hướng trước đây là đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, thêm nữa nguồn lực kinh tế họ mạnh nên họ sẵn sàng dấn thân và thử nghiệm. Hiện tại, có thể họ đã có những suy xét cho hướng đi mới đó là chuyển dịch dần vào các sản phẩm chiến lược mang tính dài hơi như ôtô. Tôi cho rằng, lần chuyển dịch dứt khoát này là hoàn toàn hợp lý.”

Cũng theo ông Bình, điện thoại và tivi là hai lĩnh vực thế giới đã phát triển nhiều năm, không dễ để một doanh nghiệp mới chen chân vào. Yếu tố về tồn kho, tiêu dùng, cũng như nguồn linh kiện sản xuất cũng là vấn đề nan giải… Mảng ôtô còn một khác biệt, là sản xuất xe điện. Các hãng xe điện Trung Quốc cũng đang đầu tư rất nhiều và được kỳ vọng lớn khi thành công.

Gần đây, các startup xe điện thông minh và liên quan tới xe điện thông minh đang tạo sức hút trên thị trường chứng khoán. Cánh cửa mà VinGroup mở ra khi đổi hướng ưu tiên tập trung nguồn lực mạnh hơn cho xe điện thông minh còn mở ra một cơ may hiếm hoi. Để VinFast/VinGroup trở thành một trong những thương hiệu Việt Nam đáng chú ý trên thị trường toàn cầu. Điều này, dường như là không thể, nếu chỉ dựa vào điện thoại và tivi.

3 bài học kinh doanh từ việc VinGroup nhiều lần “đóng cửa” - ảnh 2

Xe điện thông minh đang thu hút nhiều nguồn lực đầu tư

Từ việc Vingroup đóng cửa các lĩnh vực kinh doanh nói trên, các chuyên gia đã đưa ra 3 bài học cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh:

Thứ nhất, khi thành lập doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ mục đích thành lập và sứ mệnh, tầm nhìn dài hạn. Chú trọng mọi nguồn lực đầu tư sâu vào những giá trị cốt lõi để tránh lãng phí trong các chu kỳ vận hành doanh nghiệp.

Thứ hai, cần đặc biệt chú trọng 3 nguồn lực là nhân lực, tài lực và khách lực. Ngày nay cần chú ý tận dụng các cơ hội và hạn chế những tác hại của nguy cơ từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba, cần cập nhật đầy đủ và điều chỉnh kịp thời các nhánh rẽ không cần thiết sau thời gian vận hành thử để tránh lãng phí. Tập trung cho những trụ cột sở trường có tiềm năng phát triển, đánh giá đúng vị thế và cắt lỗ thật sớm nếu hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Linh Băng