Trong 2 tháng, Masan đã nhận 250 triệu USD từ quỹ ngoại Bain Capital
Theo thông báo, các điều khoản giao dịch vẫn giữ nguyên như thỏa thuận ban đầu giữa hai bên. Số tiền thu được từ giao dịch vốn cổ phần này sẽ được dùng để cải thiện các chỉ số tài chính và giảm đòn bẩy cho bảng cân đối kế toán của Masan.
Giao dịch này là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi (Convertible Dividend Preference Share hoặc CDPS) được phát hành với giá 85.000 đồng/cổ phần và có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1.
Mức cổ tức cố định của mỗi CDPS là 0% trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi CDPS lên đến 10%/năm.
Ủy quyền cho hội đồng quản trị quyết định tỷ lệ chia cổ tức cố định cụ thể và thời điểm thanh toán.
Ngoài cổ tức cố định, mỗi CDPS sẽ được nhận cổ tức với mức bằng với cổ tức chia cho mỗi cổ phần phổ thông (nếu có). Vào năm thứ 10 kể từ ngày phát hành, các CDPS đang lưu hành sẽ bắt buộc chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của Masan Group.
Đây là giao dịch vốn đầu tư cổ phần, không có cơ cấu phòng vệ giá hoặc vay cổ phiếu MSN dẫn đến việc bán cổ phiếu MSN ra thị trường vào ngày phát hành.
Jefferies Singapore Limited và UBS AG Singapore Branch đóng vai trò cố vấn tài chính cho Masan Group. Giao dịch phụ thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và quyết định phê duyệt nội bộ.
Như vậy, trong vòng hai tháng kể từ giao dịch đầu tiên, Bain Capital đã rót tổng cộng 250 triệu USD vào Masan.
Masan kỳ vọng giao dịch sẽ hoàn tất trong vài tháng tới và sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp vốn cổ phần chiến lược khác, trong đó bao gồm giảm bớt tỷ trọng trong các mảng kinh doanh không cốt lõi, để gia tăng thanh khoản và đạt được tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA dưới 3,5x một cách ổn định.
Về kết quả kinh doanh, trong quý III, Masan ghi nhận doanh thu tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, lên hơn 20.000 tỷ. Sau khi trừ giá vốn và chi phí, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này lại giảm 42% so với quý III/2022, xuống còn 485 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Masan đạt 57.470 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cho cổ đông thiểu số (NPAT Pre – MI) đạt 1.353 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ 2022. Với kết quả này, tập đoàn mới thực hiện 1/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Trong 9 tháng đầu năm, mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ của Masan Group ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh tăng 45,5% so với cùng kỳ. Dòng tiền tự do (FCF) cho thấy sự cải thiện liên tục, với FCF quý III đạt 2.202 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 125 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu từ Kantar Worldpanel, trong quý III, tại Việt Nam, thị trường FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 6% tại 4 thành phố trọng điểm và 7% ở khu vực nông thôn so với cùng kỳ.
Dù vậy, quý III, trên cơ sở LFL (tăng trưởng doanh thu), doanh thu của Masan Consumer Holdings vẫn tăng 9% và EBITDA tăng 20% so với cùng kỳ. Nhờ đó, ban lãnh đạo kỳ vọng lợi nhuận hoạt động kinh doanh của Masan Consumer Holdings sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong quý cuối năm.
Sau một thời gian đổi mới mô hình cửa hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động, vào tháng 11 vừa qua, WinCommerce ghi nhận sự cải thiện về doanh thu/ngày của cửa hàng với mức tăng trưởng LFL đang tiến dần về con số dương (trước đó quý I giảm 10% so với cùng kỳ).