4 dự án giao thông hơn 236.000 tỷ đồng dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Trong đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, tập trung đôn đốc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công xây dựng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo tiền khả thi các dự án quan trọng quốc gia để trình Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội dự kiến làm việc 18 ngày. Cụ thể, Quốc hội sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 23/5, bế mạc vào ngày 15/6.
Các dự án được trình Quốc hội trong kỳ họp này gồm: Dự án đầu tư, xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án đường Vành đai 3 TP HCM; Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và các dự án quan trọng khác.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 44.300 tỷ đồng
Đối với dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án có tổng chiều dài là 188,2 km đi qua các địa phương An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Trong đó: An Giang 56,74 km, TP Cần Thơ 37,77 km, Hậu Giang 37,02 km, Sóc Trăng 56,67 km.
Dự án có điểm đầu kết nối với quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối kết nối với cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Theo Báo Đầu tư, ban quản lý dự án Mỹ Thuận mới trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo hình thức đầu tư công.
Theo quy hoạch, dự án sẽ được xây dựng theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 32,25 m. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 44.306 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường, tái định cư là 8.487 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 27.534 tỷ đồng…
Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu phân chia thành 7 dự án thành phần. Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Dự án dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2025.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gần 22.000 tỷ đồng
Theo BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam, vào hồi tháng 1 vừa qua, Ban quản lý dự án 6 cũng đã trình Bộ GTVT báo cáo tiền khả thi dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Theo đó, dự án có tổng chiều dài khoảng 117 km, quy mô 4 làn xe.
Điểm đầu của Dự án tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực Cảng Nam Vân Phong (Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa); điểm cuối giao cắt tại Km 12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (cao tốc Bắc – Nam phía Tây), thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Giai đoạn đầu, tuyến đường được xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17 m, bố trí điểm khẩn cấp và mở rộng lên 4 làn xe hoàn chỉnh có làn khẩn cấp tại thời điểm thích hợp. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 21.935 tỷ đồng, được đầu tư bằng ngân sách nhà nước.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, trong bước phê duyệt dự án đầu tư sẽ tách thành tiểu dự án để giao cho các địa phương tổ chức thực hiện theo đúng quy định. Công tác chuẩn bị đầu tư dự án từ năm 2021 – 2023; thực hiện đầu tư dự án từ năm 2023 – 2026 và hoàn thành nghiệm thu đưa vào khai thác từ năm 2027.
Vành đai 3 TP HCM 75.777 tỷ đồng
Trong khi đó, mới đây, UBND TP HCM cũng đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 TP HCM để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, theo Thanh niên.
Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài 91,64 km. Điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Giai đoạn 1 của dự án đầu tư khoảng 76,34 km, quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, cùng phần đường song hành hai bên quy mô mỗi bên bố trí tối thiểu hai làn xe.
Giai đoạn hoàn chỉnh đối với phần đường cao tốc là 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Đối với phần đường song hành sẽ đầu tư toàn bộ hai bên tuyến, mặt cắt ngang mỗi bên có tối thiểu hai làn xe và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Về tiến độ, từ 2022-2023 sẽ chuẩn bị, thực hiện đầu tư, quý IV/2023 khởi công dự án. Năm 2025 thi công cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến. Đến năm 2026 sẽ hoàn thiện toàn bộ tuyến đường.
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 75.777 tỷ đồng. Con số này giảm gần 9.000 tỷ đồng so với mức dự kiến trước đó là 84.684 tỷ đồng.
Số tiền tiết giảm nhờ phần chi phí giải phóng mặt bằng đoạn đi qua tỉnh Bình Dương sau rà soát giảm khoảng 1.000 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ việc điều chỉnh quy mô giai đoạn 1 của dự án cho phù hợp với tình hình thực tế.
Vành đai 4 - Vùng Thủ đô 94.127 tỷ đồng
Còn đối với dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, công trình có tổng chiều dài khoảng 111,2 km, gồm 102,2 km đường vành đai 4 và 9 km tuyến trên cao nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Dự án đi qua địa phận ba tỉnh, thành phố. Cụ thể, địa phận Hà Nội 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông). Tỉnh Hưng Yên dự kiến tuyến dài 19,8 km, đi qua 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm). Tỉnh Bắc Ninh dự kiến tuyến dài 24,2 km và tuyến nối 9 km đi qua 3 huyện (Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình) và TP Bắc Ninh.
Đoạn đầu tuyến tại khoảng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long thuộc địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Đường vành đai 4 có mặt cắt ngang rộng 120 m, gồm 6 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên. Đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135 m.
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 94.127 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (31.904 tỷ đồng), ngân sách địa phương (33.583 tỷ đồng), vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.