5 nguyên nhân làm nên một quý tồi tệ của thị trường crypto
Bitcoin - đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới đã mất khoảng 58% giá trị trong quý II năm 2022. Khoảng 1.200 tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi thị trường tiền điện tử. Trong bối cảnh hoảng loạn, các công ty tiền điện tử đã thông báo sa thải hàng loạt nhân viên.
Trong quá khứ, Bitcoin cũng từng trải qua hai giai đoạn giảm giá kéo dài, trước khi tăng giá trở lại. Vào "mùa đông tiền điện tử" diễn ra năm 2018, Bitcoin đã mất hơn 80% giá trị trước khi phục hồi và đạt mức đỉnh 69.000 USD vào tháng 11/2021.
Có nhiều nguyên nhân góp phần vào một quý đầy biến động của thị trường tiền điện tử.
Sức ép kinh tế vĩ mô
Trong quý vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện 2 đợt tăng lãi suất trong nỗ lực chống lạm phát trầm trọng. Điều đó làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái ở Mỹ và nhiều nước khác.
Sự lo ngại của các nhà đầu tư đã dẫn đến đợt bán tháo mạnh của cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao. Nasdaq Composite giảm 22,4% trong quý II, đây là quý có hiệu suất kém nhất kể từ năm 2008.
Bitcoin có tương quan chặt chẽ với biến động giá của các chỉ số chứng khoán Mỹ. Vì thế, việc bán tháo cổ phiếu đã tác động đến Bitcoin và thị trường tiền điện tử khi nhà đầu tư rời bỏ các kênh rủi ro.
Cú sụp của terraUSD và LUNA
Đáng chú ý, sự sụp đổ của stablecoin terraUSD và token LUNA càng làm sụt giảm nghiêm trọng niềm tin của nhà đầu tư, tạo ra những làn sóng chấn động toàn thị trường.
Stablecoin là một loại tiền điện tử thường được neo với một tài sản trong thế giới thực. TerraUSD, được neo với giá đồng USD. Trong khi đó, phần lớn stablecoin khác được hỗ trợ bởi tài sản thực như tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ.
Nhưng TerraUSD lại không như vậy, đồng tiền ảo này vận hành dựa vào một thuật toán và một hệ thống phức tạp về “đúc tiền”. Khi hệ thống đó sụp đổ, TerraUSD mất tỷ giá 1:1 với USD, dẫn đến sự sụp đổ của token LUNA.
Celsius tạm dừng rút tiền
Đầu tháng 6, công ty cho vay tiền điện tử Celsius đã tạm dừng rút tiền cho khách hàng vào tháng 6.
Công ty cho phép người nhận lợi suất hơn 18% nếu họ gửi tiền điện tử bằng Celsius, rồi cho những người tham gia thị trường tiền điện tử vay. Khách hàng sẵn sàng trả lãi suất cao hơn để vay tiền.
Sự sụt giảm giá trị tiền điện tử khiến Celsius bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công ty thông báo ngừng rút tiền với lý do “điều kiện thị trường khắc nghiệt”.
Hôm 30/6, Celsius cho biết trong một bài đăng rằng họ đang thực hiện các bước quan trọng để bảo vệ tài sản, cũng như các tùy chọn sẵn có bao gồm "theo đuổi các giao dịch chuyến lược cũng như cơ cấu lại các khoản nợ".
Các vấn đề với Celsius đã cho thấy điểm yếu trong nhiều mô hình cho vay với lợi suất cao được sử dụng trong ngành công nghiệp tiền điện ảo.
Quỹ đầu cơ Three Arrows Capital vỡ nợ
Three Arrows Capital (3AC) là một trong những quỹ đầu tư Crypto (tiền điện tử) lớn nhất thế giới do Zhu Su và Kyle Davies thành lập. Quỹ này vay những khoản tiền lớn từ các công ty khác nhau và đầu tư vào một số dự án tài sản kỹ thuật số.
Tờ Financial Times đưa tin Three Arrows Capital không còn khả năng trả nợ công ty cho vay tiền số BlockFi và Genesis (Mỹ). Một số vị thế của 3AC đã bị buộc phải thanh lý khi quỹ này không thể đáp ứng lệnh gọi ký quỹ.
Sau đó, sự sụp đổ của terraUSSD và LUNA càng khiến tình hình thêm nghiêm trọng. 3AC trước đó đã đổ tiền vào LUNA.
Với việc hàng tỷ USD bị xóa sổ khỏi thị trường tiền kỹ thuật số trong những tuần gần đây, quỹ đầu cơ 3AC đang đối mặt với vấn đề thanh khoản. Voyager Digital, một nhà môi giới tài sản kỹ thuật số, cho biết họ đã cho 3AC vay 15.250 bitcoin và 350 triệu USD stablecoin USDC. Theo giá hôm thứ 27/6, tổng khoản vay tương đương hơn 675 triệu USD. Voyager cho biết cả hai khoản tiền này đều chưa được trả, đồng thời tiết lộ thêm rằng họ có thể đưa ra thông báo vỡ nợ nếu 3AC không hoàn trả lại tiền.
CoinFlex tạm dừng rút tiền
Sàn giao dịch tiền điện tử CoinFlex đã tạm dừng việc rút tiền của khách hàng vào tháng trước, với lý do "điều kiện thị trường khắc nghiệt" . Một khách hàng VIP đã mất khả năng thanh toán khoản nợ trị giá 47 triệu USD.
Mark Lamb, Giám đốc điều hành CoinFlex tiết lộ vị khách hàng này chính là nhà đầu tư tiền điện ảo nổi tiếng Roger Ver. Ver bị cáo buộc đang nợ CoinFlex 47 triệu USD. Ver, người có biệt danh “Bitcoin Jesus” phủ nhận cáo buộc và tố cáo ngược rằng trên thực tế, CoinFlex mới là bên đang nợ tiền của ông.
Thông tin từ sàn giao dịch này cho biết thông thường, tài khoản khách hàng nếu bị âm vốn chủ sở hữu thì sẽ bị thanh lý nhưng CoinFlex và Ver đã có một thỏa thuận không cho phép điều này xảy ra bằng cách nộp tiền ký quỹ bổ sung. Tuy nhiên, CoinFlex cho biết Ver không nộp ký quỹ bổ sung thêm 47 triệu USD khi vốn chủ sở hữu bị âm.