7 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng loạt mặt hàng chủ lực của Việt Nam

Trang Mai 08:00 | 10/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,7 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 52,4 tỷ USD, chiếm gần 27% thị phần.

Từ năm 2011 đến nay, Mỹ luôn là thị trường  xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này luôn chiếm vị trí trọng yếu trong tổng số kim ngạch hàng xuất khẩu của nước ta.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, năm 2022, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ vẫn tăng trưởng khả quan bất chấp khó khăn của dịch bệnh. Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 đạt 109,38 tỷ USD, tăng hơn 6 lần so với năm 2011 và chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang một thị trường đạt mốc 100 tỷ USD.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhấn mạnh, Mỹ là một thị trường xuất khẩu không hề dễ dàng khi có nhiều quy định và thủ tục phức tạp và ngặt nghèo. Nhưng Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Mỹ đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và cũng đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng đều nhiều năm qua. Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ Tổng cục Hải quan

Mỹ là thị trường xuất khẩu sản phẩm chủ lực quan trọng của Việt Nam

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ Tổng cục Hải quan

Chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước. Nếu như năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã tăng gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay.

Luỹ kế 7 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 30,65 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Mỹ là đối tác lớn nhất của Việt Nam trong mặt hàng này với 8,75 tỷ USD, tăng 1,4%. 

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ Tổng cục Hải quan

7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 28,74 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 4,91 tỷ USD, giảm gần 39%, cũng là thị trường giảm mạnh nhất trong số các nước nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam. 

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác có trị giá đạt 23,26 tỷ USD trong 7 tháng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ tiếp tục đứng đầu trong quốc gia nhập khẩu nhóm hàng này với 9,3 tỷ USD, giảm 18,5%, chiếm gần 40% cơ cấu xuất khẩu. 

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ Tổng cục Hải quan

Với hàng dệt may, trị giá xuất khẩu trong 7 tháng năm 2023 đạt 19,05 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ là thị trường xuất khẩu đứng đầu của dệt may với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đạt 8,46 tỷ USD, dù mức này đã giảm 24% so với cùng kỳ. 

Với hàng giày dép các loại, tính chung 7 tháng, kim ngạch đạt 11,64 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 4,09 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất và cũng giảm mạnh nhất với 33%. Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng giày dép sang Mỹ chỉ thấp hơn một chút 3 quốc gia sau đó cộng lại là EU (27 nước) với 2,85 tỷ USD, Trung Quốc 1,03 tỷ USD và ASEAN với 310 triệu USD.

Thuỷ sản, một trong những mặt hàng giảm khá mạnh trong 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,93 tỷ USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với bối cảnh khó khăn, xuất khẩu hàng thủy sản trong 7 tháng sang các thị trường chủ lực như Mỹ là 854 triệu USD, giảm tới 41,8%; Nhật Bản là 839 triệu USD, giảm 11,8%; Trung Quốc là 750 triệu USD, giảm 19,3%; EU (27 nước) là 546 triệu USD, giảm 33,1% so với cùng kỳ năm trước.

Gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi lạm phát và bất động sản ngưng đọng ở Mỹ, do quốc gia này là thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm 54% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước 7 tháng đầu năm. Theo đó, gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt 3,88 tỷ USD, giảm mạnh 30% so với cùng kỳ. 

Còn nhiều tiềm năng để khai thác

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay Mỹ có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả rất lớn với bình quân khoảng 46 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2018- 2022, nhưng trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng nhu cầu với chưa đến 0,6% tổng trị giá. Do đó, các nhà kinh tế đánh giá quốc gia này vẫn còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác. 

7 tháng đầu năm nay, hàng rau quả có trị giá xuất khẩu trong 7 tháng đạt tới 3,08 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 60,5% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng tới 1,16 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ với kim ngạch đạt 140,5 triệu USD, chiếm gần 5% và đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc.

Nhìn chung, Mỹ được nhiều doanh nghiệp gọi là thị trường "khó tính" khi sản phẩm muốn xuất sang phải đáp ứng rất nhiều quy chuẩn. Thế nhưng doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả tươi vẫn có thể thâm nhập quốc gia này. Bằng chứng là cho đến nay, 7 loại trái cây tươi của Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa và bưởi.

 

Với thuỷ sản, dù kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm giảm khá nhiều so với mức nền cao của năm ngoái, thế nhưng những dấu hiệu phục hồi đã được thể hiện rõ hơn những tháng đầu năm. Trong một báo cáo phân tích ngành thuỷ sản gần đây, công ty chứng khoán SSI Research cho rằng toàn ngành thuỷ sản đã bước qua thời kỳ "chạm đáy".

Về cuối năm, xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ sẽ có nhiều cơ hội phục hồi khi thị trường này bước vào mùa lễ hội và nhu cầu mua sắm tăng. Thêm vào đó, việc nhiều thị trường e ngại mặt hàng hải sản của Nhật Bản sau khi quốc gia này xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý có thể phần nào đó có lợi cho ngành thuỷ hải sản Việt Nam.