ACB đặt mục tiêu lãi 22.000 tỷ đồng năm 2024, chia cổ tức tỷ lệ 25%

Đông Bắc 15:50 | 04/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB) Trần Hùng Huy chia sẻ về những kế hoạch chiến lược trong năm 2024 và đặt mục tiêu lãi 22.000 tỷ đồng.

  

Lợi nhuận quý I/2024 giảm nhẹ

Trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ sáng 4/4, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc  ACB cho biết, tín dụng ACB quý I/2024 tăng 3,7% so với cuối 2023, cao gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành. Với mức tăng trưởng này, ACB tự tin để hoàn tất mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp năm nay là 14%.

Về lợi nhuận trước thuế, quý I/2024 đạt khoảng 4.900 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, lợi nhuận 3 tháng đầu năm giảm nhẹ. Theo ông Phát, nguyên nhân là do tăng trưởng tín dụng cao nên trích lập dự phòng chung cao hơn cùng kỳ. Nhưng trong quý I/2024, ACB có khoản thu nhập bất thường khoảng 360 tỷ đồng từ việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Do đó, lợi nhuận ACB quý I/2024 vẫn đạt ở mức khả quan.

Ông Từ Tiến Phát cũng cho biết, dư nợ cho vay bất động sản của ACB hiện dưới 2% trên tổng dư nợ và không có nợ xấu. Cho vay mua nhà của ACB cũng chỉ ở mức dưới 22% trên tổng dư nợ, nhưng nợ xấu chỉ ở mức khoảng 1%. Vì vậy, cấu trúc nợ cho vay của ACB vẫn ở mức đảm bảo.

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2024, lãnh đạo ACB cho biết, ngân hàng định hướng sẽ tăng trưởng tín dụng năm nay với mức được Ngân hàng Nhà nước cho phép, cải thiện tỷ trọng thu nhập, phát triển tệp khách hàng theo hướng cho phép khách hàng có thể thực hiện trên môi trường số và gia tăng số lượng giao dịch qua kênh số.

Kế hoạch đến cuối năm 2024, tổng tài sản sẽ đạt 805.050 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 593.779 tỷ đồng, tăng 11%; cho vay khách hàng đạt 555.866 tỷ đồng, tăng 14%. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 được ACB đề ra là 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả 2023. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB nhận định, nền kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh. Tuy nhiên, với các giải pháp rốt ráo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trên nhiều thị trường như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp,... thì kinh tế năm 2024 vẫn có cơ hội phục hồi. Do đó, HĐQT cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng 14% là phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời tuân thủ hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao trong năm 2024.

Chốt chia cổ tức 25%, chưa có kế hoạch M&A

Tại phiên họp, lãnh đạo ACB cho biết năm 2023, kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bám sát thị trường, tình hình trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt.

Trong bối cảnh này, ACB tiếp tục tăng trưởng về quy mô và tài sản, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu trọng yếu được cổ đông giao năm 2023.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của nhà băng này đạt 20.068 tỷ đồng, tăng 17% so với năm liền trước. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ theo quy định, lãnh đạo ACB cho biết ngân hàng còn lại hơn 13.300 tỷ đồng lợi nhuận, cộng với hơn 6.500 tỷ đồng lợi nhuận để lại từ các năm trước, tổng cộng là 20.000 tỷ đồng.

 

  Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB. Ảnh: ACB.

Với nguồn lực này, ACB dự tính trích ra hơn 9.700 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận về 15 cổ phiếu mới) và 10% bằng tiền mặt (mỗi cổ phiếu nhận 1.000 đồng).

Sau chia cổ tức, ACB vẫn còn hơn 10.000 tỷ đồng giữ lại.

HĐQT ACB cho rằng việc tăng vốn điều lệ hiện nay là rất cần thiết để ngân hàng có thêm nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu...

Vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng là 38.840 tỷ đồng. Dự kiến sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, vốn điều lệ sẽ tăng thêm hơn 5.800 tỷ, lên 44.666 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành việc tăng vốn dự kiến trong quý III năm nay.

Cũng tại phiên họp, Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho rằng ngân hàng có quan sát một vài đơn vị có khả năng làm sáp nhập - mua lại (M&A).

Tuy nhiên, sau quá trình khảo sát thì ban lãnh đạo nhận thấy vẫn cần duy trì phát triển nội tại để không bị chệch hướng mong muốn cổ đông. Do đó, ACB chưa có kế hoạch M&A trong năm nay.

Bên cạnh đó, ông Huy cũng cho rằng thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng nên không có ý định mở thêm chi nhánh nước ngoài trong thời gian tới.

Tại đại hội,  cổ đông ACB cũng đặt câu hỏi về định hướng chuyển nhượng một phần vốn tại ACBS của ngân hàng. Ông Trần Hùng Huy cho biết ACB luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác và đem lại giá trị tốt nhất cho cổ đông.

Trước đây, có nhiều đối tác hợp tác nhìn thấy khả năng mang lại lợi ích cho ACBS, nhưng sau đó không nhìn thấy cơ hội hợp tác nên ngân hàng tự phát triển. Do đó, ACBS cũng tự tăng vốn. Về phía ACB, ngân hàng cũng sẽ cởi mở để tạo cơ hội tăng vốn nếu có cơ hội hợp tác tốt hơn trong thời gian tới.