ACBS dự báo tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 14% trong năm 2021

Trịnh Huyền Trang 09:00 | 08/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các ngân hàng sẽ đẩy mạnh giải ngân trong quý IV để hoàn thành chỉ tiêu năm sau khi bị dồn nén trong quý III và làm cơ sở cho tăng trưởng tín dụng cho năm tiếp theo. 

CTCP Chứng khoán ACB (ACBS) mới đây vừa công bố báo cáo phân tích triển vọng ngành ngân hàng cuối năm trong đó,  ACBS kỳ vọng hoạt động kinh doanh của các khách hàng khôi phục trở lại vào quý IV trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại.

Các ngân hàng sẽ đẩy mạnh giải ngân trong quý IV để hoàn thành chỉ tiêu năm sau khi bị dồn nén trong quý III và làm cơ sở cho tăng trưởng tín dụng cho năm tiếp theo. 

Môi trường lãi suất thấp và quan điểm nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện tại sẽ hỗ trợ tốt cho tăng trưởng tín dụng trong quý cuối năm

Theo NHNN, tính đến thời điểm 25/11, dư nợ tín dụng toàn ngành tăng trưởng 10,1% so với đầu năm, cao hơn so với mức tăng 8,4% tại thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

ACBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 đạt 14%.

Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh mảng bancassurance khi các hoạt động tư vấn bảo hiểm quay trở lại bình thường sau dịch bệnh. Các hoạt động thu hồi nợ ngoại bảng cũng sẽ tăng tốc trở lại khi các thủ tục pháp lý được tái khởi động kể từ quý IV.

Bên cạnh đó, chi phí dự phòng được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý IV để hoàn tất trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu. Dự báo năm 2022, nhóm phân tích cho rằng áp lực trích lập dự phòng sẽ giảm xuống khi nền kinh tế hồi phục.

"Việc trích lập dự phòng sớm sẽ là cơ sở cho tăng trưởng lợi nhuận cho những năm tiếp theo khi tình hình tài chính của khách hàng hồi phục hoặc khi các ngân hàng thanh lý tài sản đảm bảo," báo cáo viết.

Chất lượng tài sản được cải thiện

ACBS kỳ vọng chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ được cải thiện từ quý IV khi mà các hoạt động kinh tế được tái khởi động sẽ giúp dòng tiền của khách hàng quay trở lại.

Tính đến cuối quý III/2021, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,58%, tăng 0,19 điểm % so với quý trước nhưng giảm 0,22 điểm % so với cùng kỳ. Trong khi đó, nợ nhóm 2, một chỉ báo sớm của nợ xấu cũng chỉ tăng nhẹ trong quý III, chiếm 1,38% dư nợ, tăng 0,33 điểm % so với quý II và giảm 0,1 điểm % so với cùng kỳ.

Báo cáo cho rằng chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng được kiểm soát tốt hơn so với những thời điểm dịch bệnh bùng phát trước đó. 

Lý giải cho điều này, ACBS đưa ra 4 yếu tố giúp các ngân hàng vẫn duy trì được chất lượng tài sản ở mức khá tốt. Nhóm phân tích cho rằng quy trình tín dụng và quản lý rủi ro của các ngân hàng đang ngày càng chặt chẽ hơn và xu hướng cho vay nhỏ lẻ cũng giúp các ngân hàng phân tán rủi ro tín dụng, đặc biệt là tại các ngân hàng tư nhân có tỷ trọng cho vay cá nhân cao.

Thêm vào đó, các ngân hàng đã có kinh nghiệm hơn trong việc đối phó với tác động của COVID-19 sau khi đã trải qua 3 đợt dịch. Các khoản nợ tại các lĩnh vực dễ bị tổn thương trước COVID-19 đã trở thành nợ xấu trong các đợt dịch lần trước.

Nguồn: ACBS.

Đối với nợ tái cơ cấu do COVID-10 theo Thông tư 14, nhóm phân tích đánh giá khả năng các khoản nợ này chuyển thành nợ xấu tương đối thấp do khách hàng chỉ gặp khó khăn tạm thời và có khả năng hồi phục sau giai đoạn đóng cửa nền kinh tế.

Thực tế cho thấy tại thời điểm cuối quý I/2021 khi các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 hết hiệu lực, tỷ lệ nợ tái cơ cấu chuyển nợ xấu tại các ngân hàng khá thấp. 

Theo Thông tư 03, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng tối thiểu lần lượt 30%, 60%, và 100% trong năm 2021, 2022 và 2023 cho các khoản nợ tái cơ cấu trên. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng trên mức tối thiểu cho các khoản nợ được tái cơ cấu này trong quý II và quý III năm nay.

Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng vẫn được duy trì ở mức cao để tăng cường khả năng chống chịu đối với khả năng nợ xấu có thể hình thành và nguồn thu nhập  tiềm năng trong tương lai.

Nguồn: ACBS.