ACV: Phải thu khó đòi đã vượt 5.500 tỷ, nguy cơ trích lập dự phòng 'ghì' tăng trưởng lợi nhuận

Thùy Dương 11:35 | 22/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc các hãng hàng không vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn làm cho các khoản phải thu khó đòi của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) tiếp tục xu hướng gia tăng, cùng đó là thu nhập tài chính suy giảm. Cho nửa cuối 2023, dự báo nếu các hãng bay vẫn phục hồi chậm thì ACV sẽ phải tiếp tục trích lập dự phòng dẫn tới làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

Doanh thu quý II ấn tượng theo đà phục hồi lượt khách quốc tế

Trong quý II/2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của ACV đạt lần lượt là 3.430 tỷ đồng, tăng 62,6% và 2.567 tỷ đồng, tăng mạnh 193,4% so với cùng kỳ (svck). Tăng trưởng của công ty đến từ cả việc số lượt khách quốc tế tăng mạnh giúp cho doanh thu và lợi nhuận gộp tăng mạnh cũng như thu nhập tài chính tăng mạnh.

Theo báo cáo ngày 17/8 vừa qua, CTCK Bảo Việt (BVSC) thống kê lượt khách nội địa và lượt khách quốc tế quá cảng hàng không của ACV trong quý đạt lần lượt là 21,7 triệu lượt, giảm 16,6% svck và 7,5 triệu lượt, tăng 277,4% svck.

Sự suy giảm lượt khách nội địa làm cho tổng lượt khách của ACV chỉ tăng 4,3% svck. Tuy nhiên, ACV ghi nhận tăng trưởng doanh thu ấn tượng với mức tăng lên tới 62,6% cùng kỳ do lượt khách quốc tế tăng mạnh. Mà lượt khách quốc tế có mức giá dịch vụ cao hơn rất nhiều so với mức giá dịch vụ đối với lượt khách trong nước. Mức giá dịch vụ chính là phục vụ hành khách có mức giá đối với lượt quốc tế cao hơn khoảng 5 đến 6 lần so với lượt khách nội địa. 

 

Lượt khách quốc tế vẫn đang trên đà phục hồi trong khi lượt khách nội địa có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, lượt khách quốc đang trên đà phục hồi và chiếm 25,7% tổng lượt khách trong quý II nhưng lại đóng góp tới 62,4% doanh thu dịch vụ hành khách là doanh thu chính của ACV, tương đương với 48% doanh thu của công ty.

Như vậy, lượt khách quốc tế đóng vai trò trọng yếu tới kết quả kinh doanh và tăng trưởng lượt khách quốc tế là động lực chính yếu để gia tăng lợi nhuận của công ty.

Trước đại dịch, lượt khách du lịch hàng không Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm lần lượt là 40,4% và 29,8% tổng lượt khách du lịch quốc tế bằng đường hàng không. Quý II/2023, lượt khách du lịch bằng đường hàng không Hàn Quốc đạt 0,8 triệu lượt, tương đương với khoảng 81,5% svck năm 2019.

Mức tăng trưởng diễn ra chậm hơn từ thị trường Trung Quốc do Trung Quốc trong giai đoạn này vẫn thực hiện chính sách Zero COVID. Quý II/2023, lượt khách du lịch bằng đường hàng không Trung Quốc đạt khoảng 0,5 triệu lượt, tương đương với 35% svck 2019 và vẫn còn dư địa lớn để hỗ trợ tăng trưởng lượt khách quốc tế cho ACV. 

 

Về thị trường nội địa, lượt khách nội địa đạt 21,7 triệu lượt trong quý vừa qua, giảm 16,6% svck. Mức giảm khá mạnh do nền cao của quý II năm ngoái. 

Mặc dù có sự sụt giảm svck nhưng lượt khách nội địa quý II vẫn cao hơn 9,5% so với quý II/2019. Tuy nhiên, mức nền này khá cao và cùng với dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thì BVSC dự báo số lượt khách nội địa năm 2023 sẽ ở quanh mức của năm 2022 và sau đó tăng trưởng nhẹ trong vài năm tới.

Trong dài hạn, nhóm phân tích cho rằng lượt khách nội địa vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng khi nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh, thu nhập người dân tăng lên kéo theo nhu cầu du lịch giải trí tăng trưởng.

Khó khăn đan xen: Thu nhập tài chính suy giảm, rủi ro phải thu khách hàng

Bên cạnh những triển vọng tích cực, các yếu tố khiến nhóm phân tích BVSC quan ngại về tốc độ tăng trưởng cho nửa cuối năm nay của ACV là ảnh hưởng về tỷ giá và sự hồi phục của các hãng bay.

Trước đó, đồng Yên Nhật đã liên tục giảm mạnh từ cuối 2020 đến đầu 2021, tính đến nay đồng Yên Nhật đã mất giá tới 27,1% với đồng VND. Điều này giúp cho ACV ghi nhận lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá lên tới 1.411 tỷ đồng và 2.336 tỷ đồng trong năm 2021 và 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ACV ghi nhận lỗ từ đánh giá lại tỷ giá.

 

Tuy nhiên, lạm phát của Nhật Bản đang tiệm cận mức cao trong 40 năm qua, BVSC cho rằng điều này có thể dẫn tới BOJ (Ngân hàng trung ương Nhật Bản) đảo chiều chính sách tiền tệ. Cùng với đó, FED (Cục dự trữ liên bang) có thể kết thúc giai đoạn tăng lãi suất trong năm 2023 và bắt đầu giảm lãi suất trong năm 2024 làm cho đồng Yên đảo chiều xu hướng. Báo cáo quý II/2023 cho thấy ACV đang có khoản vay 11.216 tỷ đồng được vay bằng đồng Yên Nhật. Như vậy, nếu đồng Yên Nhật tăng giá 1% thì ACV sẽ lỗ tỷ giá khoảng 112 tỷ đồng.

 

Về rủi ro phải thu khách hàng, nhóm phân tích đánh giá đại dịch COVID-19 đã qua đi nhưng các hãng hàng không vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều này làm cho các khoản phải thu khó đòi của ACV vẫn đang ở trong xu hướng gia tăng.

 Tính đến cuối quý II, khoản phải thu khó đòi của ACV đã lên tới 5.541 tỷ đồng. Về khoản này, BVSC chỉ ra rủi ro ACV sẽ phải tiếp tục trích lập dự phòng trong các quý tiếp theo, điều có thể dẫn tới giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. 

 

Mới đây, số liệu do Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố cho thấy tỷ lệ bay đúng giờ trung bình toàn ngành trong 7 tháng đầu năm nay sụt giảm nhẹ 2 điểm so với cùng kỳ năm trước, đạt 85,4%, tương ứng toàn ngành hàng không khai thác 148.275 chuyến bay đúng giờ trong tổng số 173.579 chuyến bay.

Cũng theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, tỷ lệ huỷ chuyến của toàn ngành hàng không nội địa trong 7 tháng đầu năm 2023 đã giảm 0,2 điểm so với năm trước, với 0,3% chuyến bay bị hủy.

Thị trường vận tải hành khách hàng không Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023 ghi nhận sự hồi phục đáng kể so với năm ngoái, với tổng thị trường tăng khả quan 41,8%.

Bước sang tháng 8, ngành hàng không Việt Nam tiếp tục tăng cường các chuyến bay và lên kế hoạch phục vụ dịp nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày sắp tới.

Trong một diễn biến khác, mới đây, Chính phủ Việt Nam thông qua chính sách visa mới, cho phép cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nới thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày bắt đầu từ 15/8. Đồng thời, du khách một số quốc gia được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày.

Với chính sách mới này, du khách quốc tế đến Việt Nam dễ dàng hơn và còn có thể kéo dài thời gian lưu trú, gia tăng các hoạt động du lịch, trải nghiệm và chi tiêu. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo thêm cú hích cho ngành du lịch, hàng không Việt Nam phát triển trong nửa cuối năm nay, nhất là khi tỷ lệ chở khách quốc tế vẫn chiếm phần lớn, đạt doanh thu cao mang lại lợi nhuận cho các hãng bay nội địa trong 7 tháng đầu năm.