Dự báo ngành hàng không hồi phục hoàn toàn vào cuối năm, doanh thu của ACV có thể vượt 17.000 tỷ

Thùy Dương 10:31 | 08/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hết năm 2022, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Thị trường quốc tế dần hồi phục và dự báo sẽ đạt mức trước dịch vào cuối năm 2023. Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) là 1 trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự hồi phục của lượng hành khách quốc tế sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 nói chung cùng với tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn với sân bay Long Thành nói riêng.

2022: Xu hướng hồi phục chung của toàn ngành, dòng tiền kinh doanh của ACV dương trở lại

Trong năm 2022, Theo thông tin từ Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu năm 2022 đạt 900 triệu lượt, tương đương 63% so với năm 2019- thời điểm trước dịch.

Tuy nhiên sự phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các khu vực. Cụ thể, Châu Âu (79%) và Trung Đông (83%) phục hồi nhanh nhất; Châu Phi và châu Mỹ cùng đạt 65%, trong khi châu Á - Thái Bình Dương chỉ đạt 23% do nhiều thị trường áp dụng biện pháp phòng chống dịch quyết liệt.

 Ảnh: VCBS

Trong bối cảnh phục hồi chung của toàn ngành, kết quả kinh doanh của ACV năm 2022 cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với doanh thu thuần đạt 13.834 tỷ đồng, tăng 19,12% so với cùng kỳ (svck) 2021, lãi ròng của cổ đông công ty mẹ đạt 7.122 tỷ đồng, gấp 9 lần svck.

Biên lợi nhuận gộp tương đối tích cực, đạt 47,4% so với mức âm 16,5% năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn thời điểm trước dịch là năm 2019 với 50,9%. Doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận tăng 26,7% svck năm trước, đạt 4.119 tỷ đồng nhờ ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ hơn 2.351 tỷ đồng.

Khoản phải thu ngắn hạn của ACV cũng tăng tương đối mạnh với gần 6.296 tỷ đồng, trong đó phát sinh khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi tăng mạnh trong quý IV (663 tỷ đồng).

 

Về sức khỏe tài chính, dòng tiền hoạt động kinh doanh dương ACV trở lại trong năm 2022. Cụ thể, trong năm qua, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) của doanh nghiệp đạt 3.262 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 ghi nhận âm xấp xỉ 699 tỷ đồng). Với đặc điểm chi phí khấu hao chiếm tỷ trọng lớn và nhu cầu vốn lưu động không nhiều, công ty duy trì dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tương đối tích cực.

Do các dự án đầu tư hạ tầng lớn chưa được triển khai, số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của ACV tính đến 31/12/2022 đạt gần 32.994 tỷ đồng, giảm 0,9% svck, mang về nguồn doanh thu tài chính dồi dào và là động lực quan trọng giúp ACV duy trì kết quả kinh doanh và vị thế tài chính tích cực trong năm 2022.

Đồng thời, nguồn tiền dự trữ lớn và dòng tiền ổn định tạo thuận lợi cho ACV trong hoạt động triển khai các dự án đầu tư sắp tới, giảm phụ thuộc vào nguồn nợ vay và nâng cao vị thế khi đàm phán với các tổ chức tín dụng. 

Dự báo doanh thu ACV vượt 17.000 tỷ trong năm nay

Đánh giá chung về triển vọng của ACV trong dài hạn, Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) trong báo cáo phân tích Cảng hàng không Việt Nam ngày 2/3 nhận định ACV là một trong những đơn vị được hưởng lợi mạnh mẽ nhất từ xu thế tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam và tiềm năng từ dự án sân bay Long Thành đem lại.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cảnh báo trong ngắn và trung hạn, triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam đang chịu sự phụ thuộc tương đối lớn vào tiềm năng hồi phục của các đường bay quốc tế, đặc biệt là với thị trường Trung quốc hiện còn đang gặp nhiều khó khăn.

Nhìn về trước mắt, trong năm 2023, nhóm phân tích cho rằng áp lực gia tăng chi phí lãi vay và doanh thu tài chính sụt giảm nhằm đáp ứng nhu cầu thu xếp nguồn vốn phục vụ cho 2 dự án sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có thể ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp và gây áp lực lên biên lợi nhuận của ACV.

Trên cơ sở những phân tích này, VCBS dự phóng năm 2023, doanh thu của ACV đạt 17.581,01 tỷ đồng, tăng 27,1% svck, lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ đạt 7.254,43 tỷ đồng, tăng 1,99%.

 Triển vọng sáng phục hồi hoàn toàn cho ngành hàng không

IATA dự báo, thị trường hàng không Việt Nam sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2023. Tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022. So với cùng thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019), tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa.

Về hàng hóa, sản lượng thông qua các cảng hàng không trong tháng đầu tiên của năm 2023 đạt 112 nghìn tấn, tăng 11,6% so với tháng 12/2022. Riêng hàng hóa quốc tế là 83 nghìn tấn, tăng 10% và hàng hóa nội địa đạt sản lượng 29 nghìn tấn, tăng 16,6% so với tháng 12/2022.

Các chuyên gia hàng không nhận định, với các dấu hiệu phục hồi tích cực ngay từ đầu năm thì việc dự án báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế là có cơ sở. Trong năm 2022, đặc biệt là cao điểm Hè và Tết vừa qua thị trường hàng không nội địa đã có sự tăng trưởng mạnh về sản lượng.