Agribank rao bán 4 lô đất tại TP HCM với giá gần 100 tỷ đồng

Đông Bắc 10:06 | 14/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Agribank tiếp tục phát mại tài sản để thu hồi nợ bằng việc bán đấu giá 4 lô đất tại TP HCM với mức giá khởi điểm gần 100 tỷ đồng. Theo đó, 3 lô đất có địa chỉ tại TP Thủ Đức (quận 9 cũ) và 1 lô tại huyện Bình Chánh.

Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank  (Agribank AMC) thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trà tại Agribank chi nhánh Trường Sơn.

Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với các thửa đất số 1158 và 1159, tại phường Long Trường, TP Thủ Đức (quận 9 cũ), TP HCM. Trong đó, một lô đất ở đô thị lâu dài rộng 1.857 m2 và lô còn lại rộng 661 m2 là đất trồng cây lâu năm có thời hạn sử dụng đến 1/12/2068. Ngoài ra tài sản còn là nhà ở gắn liền với đất có diện tích 35,7 m2.

 Agribank tiếp tục phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Ảnh MH.

Giá khởi điểm cho toàn bộ tài sản trên là 63,1 tỷ đồng. Giá khởi điểm này chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí, thuế giá trị gia tăng trong trường hợp tài sản đấu giá thuộc diện phải chịu thuế theo quy định.

Agribank cho biết nguồn gốc của tài sản là của ông Nguyễn Phương Nam thế chấp bảo đảm cho khoản vay của công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trà theo hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết từ ngày 9/9/2020 giữa Agribank và ông Phương Nam.

Ngoài hai lô đất trên, Agribank AMC cũng đang lựa chọn tổ chức để đấu giá hai lô đất khác tại TP HCM, trong đó một lô đất tại TP Thủ Đức (quận 9 cũ) và một lô tại huyện Bình Chánh. Tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Thương mại vận tải An Nhiên tại Agribank chi nhánh Tân Bình.

Theo đó, quyền sử dụng đất tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức có giá khởi điểm 26 tỷ đồng và quyền sử dụng đất tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh có giá khởi điểm 9,4 tỷ đồng.

Trước đó, Agribank bán nợ thế chấp bằng hai lô đất 2.700 m2 tại TP HCM, giá khởi điểm hơn 46 tỷ đồng. Cụ thể, Agribank AMC  thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Đầu tư và Sản xuất Kiến An và hai khoản nợ của khách hàng cá nhân có tên Lê Văn Nam và Lại Hữu Phong.

Agribank cho biết tính đến ngày 9/8/2021, tổng dư nợ của CTCP Đầu tư và Sản xuất Kiến An là 23,1 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 16,3 tỷ đồng. Tổng dư nợ của ông Lê Văn Nam là 18,8 tỷ đồng, nợ gốc là 14 tỷ đồng và ông Lại Hữu Phong ghi nhận tổng dư nợ 19,7 tỷ đồng, nợ gốc 14,7 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ trên là hai quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với hơn 2.700 m2 đất tại địa chỉ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM. Trong đó, lô đất thứ nhất rộng 1.347 m2, lô đất thứ hai rộng 1.395 m2, cùng là đất ở nông thôn lâu dài.

Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 46,4 tỷ đồng, tương đương với 75% tổng dư nợ của CTCP Đầu tư và Sản xuất Kiến An và hai khách hàng cá nhân. Trong đó, giá khởi điểm cho khoản nợ của CTCP Đầu tư và Sản xuất Kiến An là 17,3 tỷ đồng, ông Lê Văn Nam là 14,1 tỷ đồng và ông Lãi Hữu Phong là 14,8 tỷ đồng. Mức giá chưa bao gồm các loại thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Agribank cho biết khoản nợ nêu trên được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức “có sao bán vậy”.

Agribank dự kiến đấu giá khoản nợ vào ngày 6/10 tại TP HCM, người tham gia đấu giá đặt cọc 10% giá khởi điểm đấu giá.

 

Xử lý tài sản đảm bảo và nợ xấu của hệ thống ngân hàng tưởng đối ổn

Chia sẻ tại Tại tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững” mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia đã đưa ra những đánh giá về năng lực xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản của các ngân hàng trong thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo với giá rất rẻ nhưng thanh khoản không có.

TS. Cấn Văn Lực cho biết: Thời gian vừa qua, nhờ Nghị quyết 42 nên việc xử lý tài sản đảm bảo của hệ thống ngân hàng khá tốt và thị trường bất động sản khoảng 2 – 3 năm vừa qua phục hồi rất tốt. Do đó, chuyên gia này cho rằng việc xử lý tài sản đảm bảo và nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến thời điểm hiện nay là tương đối ổn.

"Nợ xấu nội bảng khoảng 1,5%, nợ xấu gộp theo tính toán của NHNN đâu đó khoảng 3 – 3,5%. Sắp tới cả kể nợ xấu tiềm ẩn tăng lên, theo tôi vẫn trong tầm kiểm soát. Lưu ý thêm, một số khoản khó bán thì khó bán từ lâu nay rồi chứ không phải bây giờ mới khó bán. Và nếu khó bán đương nhiên sẽ phải bán đi bán lại", ông Lực nói. "Còn khoản nào dễ bán là ngân hàng bán được ngay. Không riêng gì BIDV, cả kể các ngân hàng khác có phát mại tài sản đảm bảo cũng gặp khó khăn hơn vì thanh khoản thị trường bất động sản đang trầm lắng".