AmCham: DN Hoa kỳ tiếp tục trở thành đối tác của DN nhỏ và vừa Việt Nam
Quan hệ thương mại hai nước đã phát triển nhanh chóng, từ 450 triệu USD kim ngạch thương mại hai chiều (năm 1995) đã ước lên tới 60 tỷ USD vào thời gian tới.
DN Hoa Kỳ đã đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, giúp Việt Nam hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo việc làm chất lượng cao.
Khẳng định DN Hoa Kỳ giữ nguyên quan điểm lạc quan về tương lai của nền kinh tế Việt Nam, tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, ông Michael Kelly mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện thể chế chính sách, tạo môi trường pháp lý ổn định, các cơ quan hành chính hỗ trợ nhà đầu tư hơn nữa.
Ông Michael Kelly cho biết, quan ngại lớn nhất của nhà đầu tư Hoa Kỳ là sự thay đổi của chính sách, luật lệ, khiến nhà đầu tư e ngại khi mở rộng đầu tư kinh doanh. Ông mong đợi Luật Đầu tư có điều khoản rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư yên tâm và giữ chân được nhà đầu tư nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam. Cộng đồng DN FDI mong muốn có quan hệ đối tác với Chính phủ, cơ quan Chính phủ để giúp giải quyết nhanh vấn đề phát sinh, giảm thiểu rủi ro và chi phí kinh doanh.
Đại diện AmCham ủng hộ nỗ lực phát triển DN nhỏ và vừa của Chính phủ, cam kết DN Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trở thành đối tác của DN nhỏ và vừa Việt Nam thời gian tới.
Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Việt Nam 2018, ngày 10/9, ông Gilbert Kaplan, Thứ trưởng đặc trách Thương mại quốc tế Bộ Thương mại Mỹ, cho biết với 93 triệu người tiêu dùng, trong đó tầng lớp trung lưu phát triển mạnh nhất trong khu vực, Việt Nam là điểm đến của nhiều DN Mỹ.
Nhằm giảm thiểu thâm hụt thương mại, tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế Mỹ - Việt, ông Gilbert Kaplan khuyến nghị trước mắt, cần giải quyết những vấn đề cản trở phát triển thị trường của các DN Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ cũng đã thành lập nhóm công nghiệp thương mại Việt Nam, gồm 4 lĩnh vực chính: hàng không, năng lượng, y tế, thành phố thông minh và thương mại số. Trong đó, nhóm công tác về năng lượng đã góp phần hình thành và phát triển quan hệ năng lượng giữa hai bên. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam lớn, dự kiến tăng 10%-12%/năm đến năm 2020. Các DN Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để phát triển hợp tác trong lĩnh vực này.
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Việt Nam 2018, đại diện một số DN lớn của Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam như Amazon, Cisco, Citibank, Coca-Cola, Google, Metlife, Pfizer và Agoda đã khẳng định tin tưởng vào triển vọng phát triển của Việt Nam.
Đón nhận cơ hội hợp tác này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Với con số hơn 10 tỷ USD được ký giữa cộng đồng DN hai nước đã cho thấy khả năng Việt Nam có thể tiếp nhận những công nghệ cũng như chuyển giao công nghệ hiện đại, tiên tiến giữa những DN hàng đầu của Hoa Kỳ đối với phía Việt Nam. Qua đó, DN Việt Nam cũng mong muốn đẩy mạnh được kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh như thủy hải sản, dệt may, da giày và một số mặt hàng khác”.