Ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh nghiệp BĐS làm gì để không lâm cảnh `chết chìm`?

17:40 | 31/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp đang bất động sản khó khăn trước tác động của đại dịch, thị trường đóng băng, kênh bán hàng gần như không hoạt động, tín dụng bị thắt chặt, vậy các doanh nghiệp đang làm gì để không "chết chìm"?

Bộ Xây dựng cho biết, từ cuối tháng 4/2021, đại dịch Covid bùng phát lần thứ 4, kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước. Các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, do đó chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn. 

Trên thực tế hiện nay, chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì hoạt động. Còn lại, khoảng 80% các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải “đóng cửa”...

Tại toạ đàm “Sàn giao dịch và môi giới bất động sản (BĐS) vượt khó do ảnh hưởng COVID - Giải pháp và kiến nghị”, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đưa ra số liệu khảo sát. Trong giai đoạn dịch bệnh, 70% số doanh nghiệp môi giới bất động sản phải chọn giải pháp cắt giảm lương của người lao động hoặc ngưng hoạt động.

Riêng trong 3 tháng gần đây, 50% số doanh nghiệp môi giới bất động sản tại TP.HCM chỉ đạt mức doanh thu dưới 10%. Đây là nhóm có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao; 30% có mức doanh thu từ 30% - 50%, được đánh giá là nhóm nguy cơ ngưng hoạt động cao. 10% số doanh nghiệp ở nhóm tạm ổn định (doanh thu 50-70%).

 

Ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh nghiệp BĐS làm gì để không lâm cảnh `chết chìm`? - ảnh 1

Các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ quan điểm sẽ tiếp tục thắt chặt hơn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay kinh doanh chứng khoán trong 6 tháng cuối năm 2021.

Theo các chuyên gia, trên thực tế, nguồn vốn đầu tư dự án của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS đều chiếm đa số từ vốn vay ngân hàng. Các hiện tượng trên cùng với tình trạng sốt đất trong thời gian ngắn khoảng hai, ba năm nhưng tốc độ tăng giá đất có gia tốc cũng có thể dẫn tới tích tụ bong bóng bất động sản ở mức cao.

Với việc ngân hàng siết chặt tín dụng thì nhiều DN sẽ càng khó khăn hơn trong việc tiêu thụ và vận hành lĩnh vực hoạt động.

Doanh nghiệp không được “đóng băng”

Để tháo gỡ các khó khăn này, theo ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS cho rằng, Chính phủ cần có chính sách giãn thuế VAT về cuối năm thanh toán 1 lần để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, phải có phủ sóng tiêm vaccine đến cộng đồng, nhất là cho nhân sự trong các doanh nghiệp. 

Đối với thị trường bất động sản, nếu có thể, cần thành lập quỹ vaccine cho các doanh nghiệp trong hiệp hội bất động sản, doanh nghiệp bất động sản để tăng phòng vệ cho nhân sự làm việc trong lĩnh vực này.

Còn ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, cần thiết hỗ trợ giảm 70% thuế VAT trong năm 2021, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 quý cuối năm 2021, đồng thời giãn thời hạn nộp các loại thuế này 6 tháng kể từ khi hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn lãi suất 0% để chi trả các khoản cố định, đầu tư vào kinh doanh để sớm có doanh thu trở lại.

Theo một số chuyên gia nhận định, bất động sản đang chuyển mình với xu hướng mới, đó là phương thức bán hàng online, rất dễ nhận thấy phương thức này đang diễn ra mạnh mẽ.

Hiện nay, nhiều Sale đẩy mạnh bán hàng online bằng cách lập cầu truyền hình, quay live trực tiếp cho khách xem dự án, thuyết minh qua phần mềm… Dù hiện nay thị trường chưa bùng nổ, nhưng trong tương lai, dự đoán có thể là xu hướng, nhất là trong tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh nghiệp BĐS làm gì để không lâm cảnh `chết chìm`? - ảnh 2

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển mình theo hình thức bán hàng online. Ảnh minh hoạ

Có thể nhắc đến, TNR Holdings Vietnam là một trong những doanh nghiệp đã áp dụng nhiều công nghệ thông minh trong từng căn hộ, giúp mang lại trải nghiệm sống theo phong cách “smart living” cho cư dân tại đây. Khách hàng có thể cảm nhận điều đó ngay từ khi tiếp cận các thông tin về dự án. Thay vì sử dụng các kênh truyền thống, khách hàng có thể tìm hiểu và nghe tư vấn về TNR The Nosta trên các kênh trực tuyến (online) như livestream, gọi điện thoại/video. Thông tin về dự án cũng được truyền tải trực quan thông qua hình ảnh, ứng dụng sa bàn ảo cho phép thể hiện dự án 360 độ, các video giới thiệu nhà mẫu…

Hay mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.CM (HoREA) mới đây đã có văn bản gửi đến Ngân hàng nhà nước (NHNN) góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân) và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 đến ngày 30/06/2022 (do Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ quy định kéo dài đến 31/12/2021), nhất là việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới, sẽ hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, chủ trương các ngân hàng cơ cấu các khoản nợ và lãi suất cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phân loại ra các nhóm doanh nghiệp, thứ nhất là những doanh nghiệp còn khả năng tiếp tục hoạt động. Nhóm thứ 2 là những doanh nghiệp sẽ phải giải thể hoặc ngừng hoạt động.

Trong đó, cần ưu tiên việc cơ cấu lại nợ, hoãn thời gian trả nợ. Hai là không tính nợ quá hạn vào việc tiếp tục cho vay tín dụng. Ba là giảm giá vốn hay nói cách khác là giảm lãi suất. Ba việc đó giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính với mức khá hơn để đối phó với biến động của dịch bệnh. 

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét các biện pháp để có thể “bơm” một lượng vốn rẻ nhất định cho các tổ chức tín dụng để thông qua đó có thể giảm lãi suất cho vay xuống tạo điều kiện “cấp cứu” cho doanh nghiệp.

Hải Đăng