Ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19, thị trường BĐS Việt Nam vẫn sống ổn

07:10 | 07/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dựa trên thống kê ở 12 điểm cầu của Hiệp hội BĐS Việt Nam có thể thấy dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19 nhưng thị trường BĐS vẫn có hàng vạn giao dịch diễn ra.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng thị trường BĐS Việt Nam vẫn có sức sống.

Thị trường BĐS vẫn có hàng vạn giao dịch diễn ra

 Phát biểu tại tọa đàm với chủ đề: "BĐS Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới", ông Nguyễn Văn Đính cho biết, dựa trên thống kê ở 12 điểm cầu của Hiệp hội BĐS Việt Nam có thể thấy dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19 nhưng thị trường BĐS vẫn có hàng vạn giao dịch diễn ra. Bởi dù nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không hề giảm do đây là đối tượng cần đi trước.

“Sức khỏe BĐS có bị tác động tiêu cực nhưng thị trường này vẫn có sức sống, 'không chết' dù phải chững hay đứng lại do bối cảnh dịch bệnh”,ông Đính nói.

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam bày tỏ, ở Việt Nam cứ một dự án ra đời thì chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi đó, thời gian trung bình của ASEAN là 5 năm. Do đó trong 2 năm xuất hiện COVID -19, khi nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhà đầu tư đã lấn sang BĐS và coi đây là thị trường có tiềm năng. Tuy nhiên, nguồn cung lại không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường do nhiều rào cản như quy trình kiểm duyệt, tạm dừng thi công,... Dẫn đến việc thị trường không có nhiều sản phẩm mới, cung không đủ cầu.

Mặc dù tình hình chung của thị trường BĐS trong tháng 8 khá ảm đảm nhưng giá chung cư ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM vẫn liên tục tăng.

Trước đó, báo cáo thị trường BĐS quý III/2021 của batdongsan.com.vn cũng cho thấy, dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhưng thị trường BĐS vẫn có những điểm sáng đến từ một số khu vực, loại hình, và giá BĐS vẫn tiếp tục có xu hướng tăng.

Điển hình là tại Hà Nội và TP. HCM, mặc dù nguồn cung và nhu cầu giảm nhưng giá BĐS vẫn không có dấu hiệu giảm theo, thậm chí còn tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó giá chào bán chung cư tại TPHCM trong tháng 8 có xu hướng đi ngang so với tháng 7, nhưng lại tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020. Còn Hà Nội tiếp tục ghi nhận giá rao bán căn hộ chung cư tăng 8% so với cùng kỳ.

Giá chung cư vẫn tiếp tục tăng

Theo báo cáo thị trường BĐS tháng 8 của Batdongsan.com.vn, mặc dù Hà Nội và TP.HCM đang là những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, khiến lượng tin đăng và mức độ quan giảm mạnh (đã đề cập ở trên) nhưng giá rao bán chung cư tại 2 thành phố này vẫn tăng 8 - 9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 7, đơn vị này cũng ghi nhận chỉ số giá chung cư tại Hà Nội và TP. HCM có xu hướng tăng với tỷ lệ bình quân tăng 2% so với tháng 6/2021. Nếu so với cùng kỳ năm 2020, thì giá chung cư tại hai thành phố này tăng lần lượt là 7% và 10%.

Còn theo báo cáo Tổng quan thị trường BĐS Hà Nội trong 6 tháng đầu năm của Savills Việt Nam thì đây là quý thứ 10 liên tiếp giá bán căn hộ tiếp tục tăng. Trong đó, giá chào bán sơ cấp trung bình là 1.625 USD/m2, tăng 7% theo quý và 11% theo năm, các dự án hạng B tăng mạnh nhất đạt mức 13% theo năm. Tại TP Hồ Chí Minh, gần 40% dự án sơ cấp ghi nhận mức giá bán tăng lên đến 15% trong quý. Giá giai đoạn mới các dự án hiện hữu đạt mức tăng 10% so với giai đoạn trước.

Mặc dù dịch bệnh nhưng thị trường BĐS vẫn có hàng vạn giao dịch diễn ra

Lý giải về hiện tượng giá chung vẫn tăng giữa bối cảnh dịch COVID-19, các chuyên gia BĐS cho rằng, đây là quy luật cung cầu tất yếu. “Trong bối cảnh nguồn cung đang thiếu hụt, nhu cầu quá lớn, cộng thêm các yếu tố giá đất, giá vật liệu xây dựng tăng đã đẩy giá nhà lên là chuyện đương nhiên", vị này phân tích.

Theo thống kê của Savills, trong năm 2021, Hà Nội có khoảng 25.800 căn hộ từ 25 dự án mới và giai đoạn tiếp theo mở bán, tập trung chủ yếu ở khu vực quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai và huyện Gia Lâm. Trong khi đó, mỗi năm thủ đô và TPHCM phải cần tới gần 140.000 căn nhà (theo số liệu của batdongsan.com). Như vậy, nguồn cung hiện tại vô cùng thiếu hụt so với nhu cầu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia lý giải rằng khách hàng đang có nhu cầu chuyển dịch từ đất nền sang căn hộ chung cư vì ngoài vấn đề dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, thì bong bóng “sốt đất” hồi đầu năm khiến nhiều người cảm thấy bất an và chuyển sự quan tâm cũng như dòng tiền sang thị trường nhà ở.

Bởi từ trước đến nay căn hộ chung cư vẫn luôn là loại hình nhận được nhiều sự quan tâm vì phục vụ chủ yếu nhu cầu thực. Giá chung cư có mức tăng ổn định, ở ngưỡng hợp lý, không bị thổi giá theo hạ tầng như đất nền.

Đồng thời, phân khúc căn hộ chung cư là thị trường vô cùng tiềm năng khi Việt Nam có tới gần 100 triệu dân đều có nhu cầu về nhà ở trong khi tỉ lệ đô thị hóa của nước ta vẫn còn rất thấp so với các quốc gia trong khu vực, cho nên cung không đủ cầu.

Xem thêm: Hàng loạt doanh nghiệp địa ốc ‘bung hàng’ làm nóng thị trường BĐS