Tp.HCM: Bất động sản dẫn đầu về vốn đăng ký mới trực tiếp từ nước ngoài

14:20 | 01/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cục Thống kê TP.HCM đã đưa ra những dữ liệu mới nhất về tình hình kinh tế, trong đó gồm doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn.

Cụ thể, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 cho thấy 9 tháng đầu năm ghi nhận 1.423 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. 

Con số này giảm khoảng 16,6%; đồng thời vốn đăng ký của các doanh nghiệp trong lĩnh vực là 85.164 tỉ đồng, giảm đến 79,4% so với cùng kỳ năm 2020. 

Ảnh minh họa

Ngành này cũng chiếm 56% về vốn đăng ký cấp mới liên quan tới cấp phép đầu tư các dự án trực tiếp từ nước ngoài tương đương là 214,1 triệu USD. tương đương 214,1 triệu USD. Doanh thu từ dịch vụ kinh doanh BĐS ước đạt 144.412 tỉ đồng, chiếm 62,8% tổng doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác, giảm 21,1% so với cùng kỳ.

Theo sau  là thương nghiệp chiếm 16,2%, vốn đăng ký là 61,5 triệu USD và vận tải kho bãi chiếm 14,4%, vốn đăng ký đạt 54,9 triệu USD. Trong đó, Singapore 62 dự án, vốn 205,3 triệu USD (chiếm 54%) và Hà Lan 14 dự án, vốn đăng ký 81,2 triệu USD (chiếm 21,4%).

Nhìn tổng thể từ ngày 1/1 đến 20/9, Tp.HCM chứng kiến tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào địa phương ở mức 2,35 tỉ USD. Con số trên gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 27,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, cấp mới có 404 dự án với vốn đăng ký đạt 380,3 triệu USD, giảm 43,8% về số giấy phép và giảm 6,7% về vốn so với cùng kỳ.

Về chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng giảm 2,86% so với tháng trước, chủ yếu do nhóm nhà ở thuê giảm 1,79% từ việc chủ nhà giảm giá nhằm chia sẻ khó khăn với khách thuê trong thời điểm dịch COVID-19. 

Thành phố Hồ Chí Minh giải thích lý do giảm vốn đầu tư trong và ngoài nước tại nhiều ngành nghề chính là bởi dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong nhiều tháng vừa qua. Cục Thống kê Tp.HCM kỳ vọng thời điểm quý 4/2021 đặc biệt là trong hai tháng sắp tới 10 và 11 sẽ là cơ hội để DN kịp đẩy mạnh gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng mức tiêu thụ bùng nổ vào dịp lễ, tết cuối năm. Qua đó giảm thiểu thiệt hại do ngừng hoạt động kéo dài trong quý 3/2021. 

Bất động sản: "Giải cứu" ngân sách thành phố 

Đáng chú ý, theo Cục Thống kê Tp.Hồ Chí Minh thì bất chấp dịch bệnh bùng phát trong nhiều tháng vừa qua, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và gây thiệt hại kinh tế nhưng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lại ghi nhận chiều hướng vừa qua. 

Đó là nhờ kết quả kinh doanh khả quan từ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và chứng khoán đã phần nào đã "gánh" ngân sách thành phố...

Cục Thống kê nêu rõ: "Kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, chứng khoán và tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP góp phần làm tăng tổng thu ngân sách trong 9 tháng năm 2021 trên địa bàn thành phố". 

Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2021 trên địa bàn thành phố ước đạt 279.298 tỷ đồng, đạt 76,5% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ. 

Doanh thu từ dịch vụ kinh doanh bất động sản góp đến 144.412 tỷ đồng, chiếm 62,8% tổng doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác. Còn trong 8 tháng đầu năm, tổng khối lượng giao dịch trên sàn giao dịch Tp.HCM (HOSE) đạt 115.966 triệu chứng khoán với tổng giá trị đạt 3.251.556 tỷ đồng.

Giao dịch khớp lệnh chiếm 93,5% tổng khối lượng và chiếm 90,9% tổng giá trị giao dịch trên thị trường. Trung bình mỗi phiên có 707,1 triệu chứng khoán với giá trị 19.826,6 tỷ đồng được giao dịch. So sánh với cùng thời điểm năm tổng khối lượng giao dịch đã tăng gấp 2,4 lần và gấp 4 lần về tổng giá trị giao dịch.

Có nên giảm lãi suất cho doanh nghiệp bất động sản?

Mặc dù đóng góp nhiều cho ngân sách, nhưng điều đáng nói là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn chưa xem xét giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng, thậm chí kể cả việc vay tín dụng tiêu dùng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà cũng chưa được xem xét giải quyết - theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây. 

Lý do là bởi , Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vẫn coi hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nên chưa được cho vào diện nhận ưu đãi, miễn giảm lãi suất. 

Hiệp hội đã phải gửi tiếp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn, bởi cũng như các ngành nghề khác, các DN cũng chịu những tác động xấu của đại dịch. Từ đó, có thể góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

HoREA nhấn mạnh rằng: Đối với các doanh nghiệp thì “dòng tiền” là “oxy” của doanh nghiệp và việc được ngân hàng thương mại quan tâm xem xét tiếp tục cấp tín dụng chính là “máy trợ thở oxy” cho doanh nghiệp. 

Do vậy, Hiệp hội BĐS Tp.HCM đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm; cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ, không chuyển khoản nợ đáo hạn sang khoản nợ “xấu hơn” cho các khách hàng. Quan trọng hơn cả là xem xét cho doanh nghiệp bất động sản, người vay tín dụng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà đủ điều kiện thì được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và người mua nhà qua giai đoạn khó khăn này.